Thời gian qua, nhiều nông dân (ND) trong tỉnh An Giang đã mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, trong đó có mô hình trồng cây mít Thái, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hơn 2 tháng nay, giá mít ở mức khá cao khiến ND phấn khởi, thương lái đến tận vườn thu mua từ 25.000-55.000 đồng/kg.
Hiệu quả mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Hòa An Chợ Mới thành công chuyển dịch cơ cấu cây trồng Hiệu quả chuyển đổi cây trồng trên “vùng nếp”.
Đầu tư ít, lợi nhuận nhiều
Là một trong những ND đi đầu trong việc phát triển mô hình trồng cây mít Thái ở địa phương, ông Phạm Văn Ngoan (ngụ ấp An Bình, xã Hòa Bình, Chợ Mới) cho biết, trước đây, gia đình ông chủ yếu trồng cây xoài nhưng thu nhập mang lại không cao, giá cả rất bấp bênh, chi phí đầu tư cho cây xoài khá nhiều. Trăn trở cho việc tìm hướng đi mới trong sản xuất, năm 2011, ông Ngoan đã mạnh dạn loại bỏ toàn bộ diện tích cây xoài, chuyển sang trồng mít Thái.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn mít Thái đang trĩu quả, ông Ngoan cho biết, đây là giống cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc. Từ lúc trồng đến thu hoạch khoảng 18 tháng, nhanh hơn rất nhiều so với các loại cây ăn trái khác, dễ thu hồi vốn. Đặc biệt, loại mít này cho trái to, trọng lượng mỗi trái nặng từ 10-18kg, có những trái trên 20kg. Bình quân mỗi gốc mít cho khoảng 100kg/năm và với giá bán như hiện nay, tính ra mỗi gốc mít thu về tối thiểu hơn 3 triệu đồng/năm.
Một trong những ưu điểm của mít Thái là giá cao và ổn định, khoảng từ 20.000-25.000 đồng/kg. Thời điểm hút hàng giá đẩy lên 55.000 đồng/kg. Ngoài ra, cây mít Thái có thể cho trái quanh năm, nên thu nhập của người trồng luôn được đảm bảo. Hiện nay, cách 1 tuần là thương lái đến thu mua 1 lần, mỗi lần thu hoạch trên dưới 500kg, vào những lúc cao điểm có thể trên 1 tấn trái. “Theo tính toán, mít Thái có giá khoảng 10.000 đồng/kg là người trồng đã có lợi nhuận, còn với giá như hiện giờ thì ND phấn khởi” - ông Ngoan hồ hởi chia sẻ.
Từ kinh nghiệm có được, ông Ngoan cho biết, để cây mít cho trái to, tròn, đẹp, ngoài việc đầu tư, chăm sóc, ông còn tích cực tỉa cành, tỉa trái. Điểm đặc biệt của cây mít Thái là cho trái nhiều trên cây nên dẫn đến tình trạng cây bị nứt và chết, do đó để cây sinh trưởng tốt thì mỗi cây nên để từ 4-8 trái theo từng độ tuổi của cây. Mít yêu cầu cao về nước tưới nhưng không chịu được ngập úng, nhất là khi cây ra quả, nếu gốc cây bị ngập thì múi mít sẽ bị sượng.
Ngoài ra, phòng trừ sâu bệnh với loại mít này rất dễ vì không cần sử dụng nhiều phân, thuốc. Căn bệnh thường gặp ở cây mít là sâu đục thân, vì vậy phải thường xuyên kiểm tra để điều trị kịp thời. Trong thời gian tới, ông Ngoan sẽ chuyển đổi 3 công đất ruộng, lập vườn để trồng mít nhằm tăng lợi nhuận cho gia đình.
Nỗi lo “cung vượt cầu”
Thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều ND trong địa bàn xã Hòa Bình cũng như các địa phương lân cận bắt đầu cải tạo vườn tạp để trồng mít Thái siêu sớm. Điều này dẫn tới giá cây giống bắt đầu tăng nhanh.
Ông Ngô Văn Đâu (ngụ ấp An Mỹ, xã Hòa An, Chợ Mới) cho biết: “Mít Thái đang được ưa chuộng nên không chỉ riêng tôi mà nhiều hộ dân gần đây cũng trồng loại mít này. Trồng mít Thái siêu sớm không tốn nhiều chi phí, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, cây có trái quanh năm, có giá cao. Hiện, gia đình tôi đang thí điểm trồng 200 cây mít. Nếu hiệu quả, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trong thời gian tới”.
Là loại cây dễ trồng, thời gian thu hoạch nhanh, lợi nhuận cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác nên ND đã tận dụng tối đa diện tích đất để phát triển loại cây trồng này. Tuy nhiên, nếu diện tích trồng mít tăng với tốc độ nhanh và không theo quy hoạch, chắc chắn cung sẽ vượt cầu, dẫn đến giá rẻ và hàng loạt hệ lụy khác mà ND chính là người chịu thiệt thòi nhiều nhất. Do vậy, bà con ND nên thận trọng, không nên vì giá mít đang cao mà đổ xô trồng ồ ạt, dễ rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá” như nhiều loại nông sản khác trong những năm qua.
0 nhận xét: