Là cây trồng mới trên đất Ea Súp nhưng cây táo Đài Loan với năng suất cao, chất lượng thơm ngon, giá thành cao bước đầu đã mang hiệu quả kinh tế vượt trội so với những cây trồng khác trên vùng đất này.
Những ngày đầu tháng 3, ở Ea Súp trời nóng như đổ lửa. Đoạn đường tỉnh lộ 1 đi qua thôn 6 (xã Cư M’lan) hai bên cỏ cây vàng úa, khô héo. Giữa vùng đất khô cằn ấy vườn táo của ông Dương Đức Châm (54 tuổi) vẫn xanh tươi, tấp nập khách ra vào. Ông Châm vừa hái những trái táo cuối mùa bán cho khách, vừa giới thiệu về vườn táo của mình. Khách hàng mua táo tranh thủ đi dạo, tham quan vườn táo, thỉnh thoảng với tay hái lấy một quả ưng ý ăn ngay tại vườn vì chủ nhân hào phóng cho phép.
Cũng nhờ chất lượng thơm ngon cùng với tính cách phóng khoáng của chủ nhân nên vườn táo của gia đình ông Châm được nhiều người biết đến. Táo hái đến đâu khách đến tận vườn mua hết đến đó. Không chỉ mua để ăn, một số khách hàng còn chọn táo làm quà cho người thân, bạn bè. “Trước đó, có một số bạn trẻ họ vào vườn mua táo rồi chụp ảnh đưa lên mạng xã hội. Nhờ đó nhiều khách hàng biết thông tin tìm đến vừa mua táo, vừa tham quan giúp việc tiêu thụ táo dễ dàng hơn”, ông Châm hồ hởi nói.
Nhìn vườn táo trĩu quả ai cũng tấm tắc khen, nhưng ít ai biết được để có được thành quả như hôm nay gia đình ông Châm đã đổ nhiều mồ hôi, công sức và vốn liếng vào đó. Ông kể: Quê ở Tây Ninh, nhưng vùng đất Ea Súp là nơi gia đình chọn để phát triển kinh tế. Năm 2010, vợ con ông lên đây mua đất trồng sắn. Sau nhiều năm bỏ vốn đầu tư, đất đai cằn cỗi nên càng làm càng lỗ. Đầu tư vào cây sắn mấy năm trời khiến gia đình ông lỗ gần 1 tỷ đồng. Sau khi nguồn vốn dần cạn, ông trăn trở tìm loại cây trồng khác phù hợp với mảnh đất này.
Trong một lần ghé nhà người bạn ở Tây Ninh chơi, chứng kiến vườn táo Đài Loàn trĩu quả khiến ông mê mẩn. Ông Châm sực nhớ ở vùng đất cằn cỗi Ea Súp mà gia đình làm rẫy vẫn có một số cây táo mọc dại, vào mùa chúng ra rất nhiều quả. Một ý tưởng lóe lên trong ông: “Tại sao không đưa giống táo này lên trồng ở vùng đất Ea Súp?”.
“Để trái táo ngọt, ngoài việc chăm sóc cẩn thận còn phải dùng vài “độc chiêu” như bón thêm phân gà ủ hoai; khi táo ra trái nhỏ phải xay hạt đậu nành thành bột, trộn với men vi sinh và nước tưới cho cây. Tính sơ sơ trong vụ táo đầu tiên, tôi phải dùng hơn 2,5 tấn hạt đậu nành để bón cho vườn cây”. - Ông Dương Đức Châm chia sẻ
Nghĩ là làm, ông lao vào tìm hiểu kiến thức về trồng và chăm sóc giống táo này. Đầu năm 2017, gom góp tất cả vốn liếng ít ỏi còn lại, ông trở lại Ea Súp đầu tư trồng táo. Gia đình ông thuê lại 1 ha đất tại thôn 6 (xã Cư M’lan) để trồng 900 gốc táo Đài Loan. Táo xuống giống vào dịp mùa khô, đất đai thiếu nước khô khốc. Để cây táo sống được dưới cái nắng chang chang, cả gia đình ông phải vật lộn từ sáng sớm đến tối mịt ở ngoài vườn để tưới nước cho cây. Ngoài ra, đất đai ở đây cằn cỗi đến nỗi cây sắn khi thu hoạch củ chỉ bằng ngón chân cái, chưa nắng đã khô chưa mưa đã úng nên việc cải tạo đất bằng các phương pháp hữu cơ khi trồng táo được ông đặt lên hàng đầu. Ông Châm dùng phân bò, phân gà, các loại cây họ đậu ủ hoai bón cho cây táo và dùng các chế phẩm sinh học thay cho các loại thuốc hóa học để phun cho cây.
Sau khoảng 10 tháng vật lộn với cây táo trên vùng đất khô cằn thành quả là những cây táo sai trĩu quả. Trong vụ táo đầu tiên, gia đình ông thu về gần 400 triệu đồng, đây thực sự là một số tiền lớn hiếm cây trồng nào trên vùng đất này có thể mang lại. Theo tính toán của ông, chi phí đầu tư 1 ha táo đến khi thu hoạch khoảng 300 triệu đồng, với năng suất 10 tấn/ha, giá bán từ 40-50 nghìn đồng/kg thì năm đầu tiên đã có lãi. Sang những năm sau, chi phí đầu tư sẽ giảm và lợi nhuận sẽ tăng lên. Với triển vọng kinh tế mà cây táo Đài Loan mang lại, năm nay gia đình ông tiếp tục thuê đất đầu tư trồng thêm 4 ha táo.
0 nhận xét: