Năm 2017, UBND huyện Buôn Đôn triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi áp dụng mô hình VietGAP để trồng cam, quýt tại xã Ea Nuôl cho 8 hộ với diện tích 16,5 ha.
Các hộ dân tham gia xây dựng mô hình đã được hướng dẫn làm cỏ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch… Các hộ dân tham gia mô hình cho biết, sau 6 tháng áp dụng các quy trình kỹ thuật VietGAP, cây phát triển tốt, cho quả đẹp hơn. Giá thu tại vườn luôn ổn định với khoảng 20.000 – 22.000 đồng/kg, trong khi giá quýt không áp dụng mô hình VietGAP thời điểm thấp nhất là 14.000 đồng/kg. Theo tính toán, bình quân 1 ha quýt mang lại thu nhập khoảng 500 triệu đồng cho người dân nơi đây. Thậm chí, nhiều hộ thu nhập 1-2 tỷ đồng/vụ. Với mức thu nhập như hiện nay, các hộ trồng cam, quýt mô hình VietGAP ở Buôn Đôn không chỉ thoát nghèo mà nhiều hộ còn trở thành tỷ phú.
Theo thống kê, diện tích trồng cam, quýt trên địa bàn huyện Buôn Đôn hiện khoảng 1.000 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 500 ha với sản lượng đạt 25 – 30 tấn/ha/năm. Với diện tích và sản lượng như thế thì việc mở rộng thị trường tiêu thụ lâu dài cho sản phẩm cam, quýt Buôn Đôn là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay người nông dân vẫn còn loay hoay trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Họ chủ yếu cung cấp cam, quýt ra thị trường qua thương lái, chưa có đầu mối tiêu thụ lớn. Nhất là, khi cung vượt cầu sẽ dẫn đến rớt giá, người nông dân là đối tượng sẽ phải gánh chịu thiệt hại.
Chị Nguyễn Thị Hoa có 1,6 ha đất trồng cam, quýt ở xã Ea Nuôl cho biết, hiện người nông dân vừa phải tự sản xuất, vừa tự tìm đầu ra tiêu thụ là chính. Vào thời điểm thu hoạch rộ, nông dân còn phải chạy tìm thương lái, thậm chí đem sản phẩm bán lẻ tại các chợ nông thôn. Đó là những nguyên nhân khiến giá sản phẩm nhiều lúc xuống rất thấp.
Theo bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Buôn Đôn nhận định, để nâng cao giá trị cạnh tranh giúp cam, quýt Buôn Đôn vươn ra thị trường lớn thì việc canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi tất yếu. Kế hoạch năm 2018, Phòng Nông nghiệp huyện Buôn Đôn tiếp tục nhân rộng mô hình cam, quýt theo hướng VietGAP ở các xã tập trung nhiều diện tích cam quýt như Ea Huar, Tân Hòa... Bên cạnh đó, huyện cũng đang kiến nghị tỉnh hỗ trợ xây dựng một nhà máy ép trái cây để giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm. Về lâu dài, để đưa thương hiệu cam, quýt Buôn Đôn phát triển, bà Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh: “Cần xây dựng một chuỗi liên kết 4 nhà: Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông. Để cam, quýt Buôn Đôn có đủ sức cạnh tranh thì cần bảo đảm chất lượng, số lượng lớn, giá rẻ và có chiến lược thị trường tốt. Sự phối hợp chặt chẽ và bền vững của mối liên kết này sẽ giúp giải quyết bài toán đó!”
0 nhận xét: