Ngược quốc lộ 32C, đi dọc theo đường đê về xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, bờ bãi ven sông đẹp tựa tranh vẽ, đượm màu vàng ươm của những vườn táo vào mùa chín rộ mà người dân nơi đây vẫn quen gọi là màu của “no ấm”…
Những ngày cuối năm này, dù mới bước vào đợt thu hoạch song các thôn Kinh Kệ, Hữu Bổ, Phùng Nguyên dường như tấp nập hơn bởi không khí nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Trên các trục đường chính, trong từng ngõ nhỏ, đâu đâu cũng xôn xao tiếng nói, tiếng cười khi vụ táo năm nay tiếp tục được mùa. Cả một dải bờ bãi ven sông từ cụ già đến trẻ nhỏ, ai nấy đều hăng hái, nhanh tay thu hoạch.
Táo là cây trồng truyền thống trên đồng bãi Kinh Kệ. Theo lời kể của người dân thôn Kinh Kệ, trước kia, dân trong xã thường dùng khu đất bãi trồng cấy rau màu, trồng ngô, trồng chuối… nhưng từ khi nhận thấy cây táo sinh trưởng tốt, phù hợp với chất đất, lại cho hiệu quả kinh tế cao, đông đảo các hộ dân đã chuyển sang trồng táo. Ban đầu mỗi nhà chỉ trồng vài ba gốc để ăn chơi, sau này dần dần phát triển thành nghề, cây táo trở thành cây thương phẩm, đem về nguồn thu khá cho người dân. Cũng từ đó mà cây táo bám đồng bãi Kinh Kệ đến giờ. Cả xã có đến vài trăm hộ trồng táo, hộ ít cũng trồng dăm chục gốc, hộ nhiều thì có đến vài trăm gốc, chủ yếu là 3 giống táo đang được ưa chuộng trên thị trường hiện nay: Táo Thiện Phiến (táo chua), táo đào vàng và táo lai lê (táo ngọt). Vốn là loại cây dễ trồng, ít công chăm sóc, cây trồng từ ra giêng, cuối năm đã bói quả. Vụ thu hoạch tùy thuộc vào mỗi giống, song thời điểm chung từ độ tháng 10 đến hết tháng 1 âm lịch. Lái buôn từ khắp nơi đổ về, mỗi dịp thu hoạch, cả thôn nhộn nhịp tiếng người, tiếng xe lớn bé đến thu mua. Giá tiểu thương thu mua tại vườn trung bình với giống táo chua 8-10 nghìn đồng/kg, táo đào vàng, lai lê được giá cao 20-25 nghìn đồng/kg, riêng với khách vãng lai mua lẻ cũng từ 25-30 nghìn đồng/kg…
Khoát tay chỉ tay về phía vườn táo đang ngả màu vàng rộ trên thửa đất bồi đắp bởi lớp lớp phù sa màu mỡ, anh Bùi Quốc Huy kể: “Người dân quê tôi gọi đó là lộc trời ban cho, “bờ xôi, ruộng mật” nên nhà nào cũng tận dụng trồng cấy. Gia đình tôi hiện có 2 mẫu đất bãi trồng táo, xen canh các loại rau màu và cây quả ngắn ngày như lạc, đỗ tương, dưa hấu, dưa lê… Tính riêng trồng táo đem về nguồn thu cho gia đình 100-120 triệu đồng mỗi năm. Vào vụ thu hoạch, mỗi gốc cho từ 20-30kg quả, những đợt cao điểm trung bình mỗi ngày thu hái từ vài tạ đến cả tấn táo tươi, cả nhà có 6 nhân lực đều được huy động để thu hoạch táo”.
Từ những diện tích trồng tự phát, giờ đây, táo đã trở thành cây hàng hóa, đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân. Trao đổi về thế mạnh phát triển của cây táo trên đất Kinh Kệ, ông Nguyễn Vinh Dự cho biết: “Táo là loại cây dễ trồng, hợp với điều kiện thổ nhưỡng, đầu tư, chăm sóc ít lại có hiệu quả kinh tế cao. Cây táo đã góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân, thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách có hiệu quả. Để phát triển cây táo trở thành cây hàng hóa, xã đã vận động đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, hình thành vùng sản xuất tập trung, mở rộng diện tích trồng táo, chú trọng lựa chọn về cây giống, đảm bảo kỹ thuật trong trồng, chăm sóc nhằm tăng năng suất, chất lượng cây táo tại địa phương...
Người Kinh Kệ ví von màu vàng của những vườn táo đang mùa chín rộ tựa màu no ấm, đủ đầy nhờ sự ưu ái của trời đất. Nhìn lũ trẻ, ánh mắt hấp háy, nâng trên tay những trái táo căng tròn, vàng ươm đã gác lại một mùa táo chín và thoáng trong ánh mắt đã gieo ước vọng mới vào những “mùa no ấm”.
0 nhận xét: