Trong những năm gần đây, người dân huyện Tân Phước đã trưng dụng những trái khóm nhỏ để chế biến thành mứt khóm. Dù chưa có thương hiệu, chưa thành lập làng nghề, nhưng mứt khóm ngày nay được biết đến như là đặc sản của huyện Tân Phước.
Những ngày này, men theo Tỉnh lộ 867, ấp Mỹ Thành, xã Mỹ Phước không khí nhộn nhịp diễn ra tại mỗi hộ gia đình sản xuất mứt khóm. Tất cả đều tất bật để cho ra những mẻ mứt phục vụ ngày Tết. Theo chia sẻ của những người chuyên làm mứt khóm, loại mứt này chỉ phổ biến và được người dân sản xuất nhiều khoảng 4 năm trở lại đây, khi nhu cầu cũng như thị trường tiêu thụ mứt khóm không chỉ trong tỉnh mà ngày càng được mở rộng ra các tỉnh lân cận và TP. Hồ Chí Minh.
Do nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng nhiều, nên mứt khóm hiện nay không chỉ sản xuất vào dịp Tết mà sản xuất quanh năm, nhưng cao điểm vào khoảng tháng 11 âm lịch là các hộ gia đình phải sản xuất từ sáng đến chiều tối, có hộ gia đình làm vào cả buổi tối để kịp giao cho khách hàng. Chị Ngô Kim Thủy, xã Mỹ Phước, sản xuất mứt khóm tại huyện Tân Phước cho biết: "Tết đến nhu cầu sử dụng mứt khóm cao gấp 5 - 7 lần so với ngày thường. Gia đình tôi sản xuất không kịp, phải mướn thêm nhân công phụ làm. Mứt ngon, năm nào gia đình tôi cũng sản xuất từ khoảng tháng 11 âm lịch cho đến Mùng 1, Mùng 2 Tết vẫn phải làm để giao cho khách hàng".
Hiện tại, ấp Mỹ Thành, xã Mỹ Phước có hơn 20 hộ gia đình làm mứt khóm. Đa phần người làm mứt sử dụng khóm do chính gia đình trồng, nhưng vào cao điểm, sản lượng tăng, các gia đình phải mua khóm của các ấp, xã lân cận mới đủ nguyên liệu làm. Thông thường, từ 1 trái khóm, người làm phải gọt bỏ vỏ, bầm nhuyễn và trộn với đường theo tỷ lệ 1 kg khóm, 3 kg đường cùng với mè, đậu phộng và các phụ gia cần thiết. Tùy theo cách làm, bí quyết của từng gia đình mà mứt khóm làm ra có vị đặc trưng riêng.
Chị Ngô Kim Thủy chia sẻ: "Muốn mứt khóm làm ngon, trước tiên phải chọn trái khóm ngon, trong quá trình xào phải đảo mứt liên tục, đều tay, lửa phải vừa phải để mứt cho màu sắc đẹp, không bị đen...". Theo chị Thủy, mứt làm theo phương pháp truyền thống thủ công tuy sản xuất không nhiều nhưng bù lại được người tiêu dùng ưa chuộng, chọn mua nhiều hơn mứt làm bằng máy, do theo đánh giá của người tiêu dùng thì mứt làm bằng máy, khóm bị xay nhuyễn, ăn không được ngon như làm bằng thủ công.
Mứt khóm hiện được bán với giá từ 60.000 đến 65.000 đồng/kg. Muốn mua được mứt khóm tại các cơ sản sản xuất có tiếng, người mua phải đặt hàng trước. Bình quân, mỗi ngày, một hộ gia đình tại đây sản xuất từ 100 đến 150kg mứt khóm. Nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương cũng tranh thủ thời gian rảnh đến các cơ sở để phụ làm, kiếm thêm thu nhập trang trải sinh hoạt cho 3 ngày Tết.
Chị Trần Thị Thuỷ, xã Mỹ Phước bộc bạch: "Mỗi ngày tôi phụ cơ sở làm mứt 8 tiếng thu nhập được 150.000 đồng, công việc rất nhẹ nhàng, thoải mái chỉ cắt và bỏ kẹo vào túi nilông. Tôi ở nhà cũng không làm việc gì, đi làm kiếm thêm tiền mua quần áo mới cho con và mua bánh mứt cúng ông bà, tổ tiên 3 ngày Tết". Tương tự, chị Nguyễn Thị Diễm Thương, xã Mỹ Phước bày tỏ: "Năm nào cũng vậy, cứ khoảng tháng 11 âm lịch là tôi sắp xếp thời gian đi phụ làm cho các cơ sở làm kẹo khóm Tết. Sáng đưa con đi học xong tôi ghé làm, chiều nghỉ việc thì đi đón con về, nhờ đó tôi có thêm thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình và có thêm thu nhập để vui xuân, đón Tết".
Nhiều người tiêu dùng ưa chuộng mứt khóm không chỉ bởi vị thơm ngọt đặc trưng, giá cả hợp lý mà còn do đây là sản phẩm sử dụng hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên, an toàn cho người sử dụng. Chị Nguyễn Thị Bảy, gắn bó đã khá lâu với nghề làm mứt khóm tâm sự: "Lúc mới bắt đầu sản xuất chủ yếu gia đình tôi bán cho khách dạo hay bán ở địa phương mình, dần dần người mua ở khắp nơi biết đến, gọi điện thoại đặt hàng, nhiều nhất ở TP. Hồ Chí Minh. Khóm làm ra được khen ngon, hút hàng, dù có vất vả nhưng gia đình tôi cũng cảm thấy vui, vui vì mình đã góp phần làm cho hương vị ngày Tết thêm đậm đà".
0 nhận xét: