Mỗi năm, chỉ xuất hiện một mùa vào khoảng tháng 10 âm lịch, trái quách- loại quả có mùi vị đặc trưng luôn gây tò mò, thậm chí thách thức đối với những người lần đầu thưởng thức…
Trái quách miền Tây được trồng nhiều ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. |
Cây quách (còn gọi là cây cám) mọc tự nhiên bắt đầu cho trái vào khoảng tháng 10 âm lịch kéo dài đến 6-7 tháng.
Khi chín, trái quách tự rụng, với lớp vỏ dày, cứng đảm bảo cho ruột quách vẫn nguyên vẹn. Trái quách càng chín mùi ăn càng ngon, còn trái vừa chín tới, thì vị chua thanh ngòn ngọt.
Người dân không dùng dao để cắt trái ra ăn mà dùng tay đập bể vỏ. |
Bên trong lớp vỏ cứng, xù xì là ruột trái quách đặc sệt, có màu đen hoặc tím trông… không mấy hấp dẫn. Thế nhưng nó lại có mùi vị hấp dẫn lạ kỳ. Ruột trái quách là vô số những hạt nhỏ ngọt lịm, thơm lừng. Từ lạ lẫm, người ăn quách bị “ghiền” lúc nào không hay!
Thông thường, trái quách được chế biến thành món sinh tố, dầm với nước đá, thêm chút sữa cho vị ngọt vừa, béo. Ngoài ra, trái quách còn được dùng ngâm rượu. Theo dân gian, rượu quách có công dụng chữa táo bón, tăng cường gân cốt, bổ thận…
Khi thử được vài lần, người ăn sẽ bị ghiền và nhớ mãi mùi vị quê hương miền Tây. |
Dọc theo tuyến lộ xã Châu Phong (TX.Tân Châu), trái quách được bày bán khá nhiều. Những lúc hút hàng, các chủ quày hàng phải sang Campuchia “săn” quách mới đủ số lượng cung ứng cho khách.
Quách là loại trái cây không có hiệu quả kinh tế cao nên không được trồng đại trà. |
Với 2 cây quách lâu năm sau nhà, mỗi mùa, bà tư Cám, ở xã Mỹ Đức (Châu Phú) thu nhập được hơn 4 triệu đồng. Mỗi ngày, 2 cây quách rụng khoảng 15 trái, bà đem bán lẻ với giá 10.000 đồng/trái, còn bán cặp, thì giá từ 15.000 – 20.000 đồng.
0 nhận xét: