Cam Mường Pồn từng một thời nổi tiếng khắp Ðiện Biên. Thế nhưng, giống cam đặc sản này giờ chỉ còn trong ký ức của người dân.
Ông Lò Văn Minh chăm sóc cây cam Mường Pồn nguyên bản tại vườn nhà. |
Giữa tháng 7/2017, đã có mô hình trình diễn ghép cam Mường Pồn trên gốc cam Cao Phong (Hòa Bình) nhằm phục tráng, hồi sinh giống cam quý nhưng không thành công. Thực tế cho thấy, đây là một nhiệm vụ rất khó khăn.
Nhắc đến cây cam, ông Lò Văn Minh, Bí thư chi bộ bản Lĩnh, xã Mường Pồn (huyện Ðiện Biên) bồi hồi nhớ lại: Không rõ từ khi nào, cây cam đã được người dân địa phương trồng. Ðến đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, điều kiện giao thông trên quốc lộ 12 thuận lợi hơn, cũng là lúc trái cam Mường Pồn bắt đầu được nhiều người biết đến. Cũng từ đó, giống cam Mường Pồn được nhân rộng và đầu tư phát triển theo hướng thương phẩm, tập trung nhiều ở bản Huổi Chan và bản Lĩnh. Thời đó, mỗi gia đình trồng bình quân từ 50 - 60 gốc cam, hộ nào đất rộng có thể trồng tới 150 gốc cam. Gia đình ông tôi cũng đầu tư trồng hơn 100 gốc với diện tích khoảng 1ha tại vườn nhà. Cam đến vụ thu hoạch được gia đình thu hái, chủ yếu bán lẻ tại sạp ven đường phục vụ khách qua Quốc lộ 12. Thi thoảng có thương lái ở thị xã Lai Châu (cũ) hoặc huyện Tuần Giáo đến thu mua. Cam Mường Pồn là giống đặc biệt, thân cây cao, quả chín màu vàng phớt đỏ, vị thơm ngọt dịu.
Tuy nhiên, từ đầu năm 1985, không chỉ cây cam ở vườn nhà ông Minh mà cả xã Mường Pồn bắt đầu thoái hóa. Quả cam ngày càng ít và nhỏ, nhiều hộ thu hẹp dần diện tích trồng cam để chuyển sang những cây ngắn ngày cho thu hoạch thiết thực hơn như sắn, ngô. Ðến nay, tìm khắp cả xã Mường Pồn chỉ còn 2 cây cam Mường Pồn “xịn” tại vườn nhà ông Minh nhưng đây cũng chỉ là mầm cây mọc lên từ những gốc cam đã chặt.
Huyện Điện Biên có hai địa bàn khá nổi tiếng với nghề trồng cam là xã Mường Pồn và Mường Nhà. |
Nhận thấy sự mai một của một giống cây ăn quả đặc sản, nhiều năm qua, ngành nông nghiệp huyện Ðiện Biên đã có những chính sách để khôi phục bằng việc hỗ trợ chăm sóc, chiết ghép cành, nhân giống... nhưng cam Mường Pồn nguyên bản cũng chỉ tồn tại được vài năm rồi lụi dần. Gần đây nhất, từ tháng 5 - 7/2017, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân) tỉnh tổ chức lớp dạy nghề kỹ thuật trồng thâm canh cây ăn quả cho 35 học viên tại bản Lĩnh (xã Mường Pồn). Trong đó tập trung dạy và thực hành kỹ thuật chiết, ghép, chăm sóc và phục tráng lại giống cam Mường Pồn.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh cho biết: Ðáp ứng mong muốn phục tráng lại giống cam đặc sản của nông dân xã Mường Pồn, trung tâm đã mở 1 lớp đào tạo nghề kỹ thuật thâm canh cây ăn quả tại bản Lĩnh. Sau thời gian học lý thuyết, trung tâm tổ chức mô hình trình diễn về kỹ thuật ghép giống cam Mường Pồn trên gốc giống cam Cao Phong (tỉnh Hòa Bình). Từ 2 cây cam Mường Pồn nguyên bản tại nhà ông Lò Văn Minh, các kỹ sư, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về trồng cam của trung tâm đã ghép được trên 150 gốc cam. Sau 2 tháng, kiểm tra số mắt cam đã cấy ghép, kết quả rất khả quan, ước tỷ lệ cây sống trên 90%.
Cây cam Mường Nhà vẫn được người dân duy trì, song số lượng không nhiều. |
Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi chúng tôi thực tế đến nhà ông Lò Văn Minh thì ông Minh thông báo tỷ lệ sống của cây đạt dưới 20%. Ông Minh trăn trở: Ðầu tháng 10/2017, tôi đi kiểm tra một lượt 150 gốc cam đã ghép phát hiện phần cành giống cam Mường Pồn ghép vào gốc cam Cao Phong đã bị khô, héo không còn khả năng sống sót mà không rõ nguyên nhân từ đâu mặc dù trước đó tình trạng mắt ghép rất khả quan. Sau nhiều ngày tìm hiểu, từ kinh nghiệm trồng cam của gia đình, cá nhân tôi cho rằng mô hình ghép, phục tráng cam Mường Pồn thất bại có thể do 3 nguyên nhân: Cây cam Mường Pồn nguyên bản đã thoái hóa, tỷ lệ sống qua phương pháp ghép cành không cao hoặc trước khi tiến hành ghép cành, cây cam Cao Phong được tưới nhiều phân NPK nên sau khi ghép, chỗ tiếp giáp giữa 2 mối ghép bị xót phân lân nên phần cành ghép không thích nghi kịp; nguyên nhân nữa là do thời điểm ghép cành vào mùa mưa nên phần tiếp xúc giữa 2 mối ghép bị ủng nước. Ðây là lần thứ 2 gia đình tôi tiếp nhận và trực tiếp tham gia mô hình phục tráng giống cam Mường Pồn nhưng cả 2 đều thất bại. Quả thật, để hồi sinh giống cam Mường Pồn thời điểm này rất khó tuy nhiên tôi vẫn rất hy vọng các cơ quan, chuyên gia ngành nông nghiệp tỉnh, huyện có thể nghiên cứu và tiếp tục tổ chức các dự án, mô hình để có thể phục tráng được giống cam Mường Pồn. Cũng với hy vọng này mà nhiều nay năm, tôi luôn thực hiện chế độ chăm sóc đặc biệt đối với 2 cây cam Mường Pồn còn sót lại trong vườn với hy vọng để phục vụ công tác phục tráng sau này.
Ðược biết, ngày 6/9/2017, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 792/QÐ-UBND về việc giao cho Sở Khoa học - Công nghệ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Dự án Phục tráng giống cam Mường Pồn. Theo kế hoạch, Dự án sẽ được triển khai trong đầu tháng 11/2017. Tuy tất cả các mô hình phục tráng giống cam Mường Pồn trước đây đều thất bại song vẫn hy vọng rằng, lần này với dự án quy mô cấp tỉnh sẽ mang lại niềm tin về sự hồi sinh của giống cam nổi tiếng một thời.
0 nhận xét: