Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây sơ ri, gia đình ông Huỳnh Văn Căn, ngụ ấp Trường Lưu, xã Trường Ðông, huyện Hoà Thành có thu nhập ổn định.
Ông Căn cho biết, trước đây, gia đình ông trồng nhiều loại cây ăn trái trên mảnh đất diện tích 5.000m2. Tuy nhiên, do đất không phù hợp nên cây không cho năng suất cao. Ðược bạn bè giới thiệu, ông mạnh dạn chuyển sang trồng hơn 100 gốc sơ ri. Kể từ đó, cuộc sống của gia đình đỡ cực và khấm khá hơn.
Trong vườn chủ yếu là giống sơ ri ngọt, mang từ Tiền Giang về. Loại cây này dễ sống, chịu được môi trường khắc nghiệt như khô hạn, ngập úng, nước nhiễm phèn, mặn, đất nghèo chất dinh dưỡng. Sơ ri là loại trái cây được thị trường rất ưa chuộng, thương lái đến thu mua tại vườn nên đầu ra luôn ổn định.
Theo ông Căn, cây sơ ri dễ trồng, phát triển nhanh, bung cành sum suê, cho trái quanh năm. Khi muốn nhân rộng diện tích, chỉ cần chiết nhánh, không phải tốn tiền mua giống. Trồng khoảng 7 - 8 tháng tuổi, cây cho trái mùa đầu và từ năm thứ 3 trở đi cho lượng trái ổn định và tăng dần theo các năm. Một cây cho khoảng 8 đợt trái/năm. Ðặc biệt, gốc sơ ri càng lâu năm, trái càng sai, mỗi cây đạt năng suất từ 30kg -50kg trở lên. Vào vụ rộ, gia đình ông hái khoảng 500kg sơ ri/ngày, lúc này thương lái từ các nơi đến tận vườn thu mua với giá từ 9.000 đồng - 10.000 đồng/kg.
Người nông dân năng động này còn nhận định, người trồng sơ ri chỉ hơn nhau ở phương pháp xử lý để cây cho thu hoạch trái vụ, hạn chế thu hoạch đồng loạt chính vụ sẽ bị rớt giá. Ðể làm được điều này, người trồng sơ ri phải quan tâm đến việc tỉa cành ngay sau khi kết thúc vụ thu hoạch để cây thông thoáng và tiếp nhận đủ ánh sáng.
Trồng sơ ri không đòi hỏi nhiều kỹ thuật. Nhiều gia đình có thể tận dụng khoảng đất ít chất dinh dưỡng trồng cây sơ ri để tăng thu nhập cho gia đình. Từ kinh nghiệm của ông Căn cho thấy, việc chuyển đổi cây trồng là sự đúng đắn trong lựa chọn hướng đi mới về phát triển kinh tế gia đình.
0 nhận xét: