Bưởi da xanh có vị ngọt, mùi thơm, vỏ mỏng... nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhận thấy giá trị kinh tế từ loại cây ăn quả này, một số hộ dân ở xã Phổ Hòa (Đức Phổ) đã trồng thí điểm và bước đầu đã cho kết quả khả quan.
Với mong muốn tạo dựng cho người dân một loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao và tạo vùng chuyên canh mang thương hiệu riêng của địa phương, từ năm 2012, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ cho 7 hộ dân tại xã Phổ Hòa trồng bưởi da xanh trên diện tích 1,5ha.
Đến nay, sau hơn 4 năm trồng, ông Nguyễn Hoài Bang, ở thôn An Thường, một trong những hộ gia đình trồng bưởi da xanh tỏ ra rất phấn khởi khi cho biết nhờ loại cây ăn quả này, ông có thêm nguồn thu nhập khá.
Đến nay, sau hơn 4 năm trồng, ông Nguyễn Hoài Bang, ở thôn An Thường, một trong những hộ gia đình trồng bưởi da xanh tỏ ra rất phấn khởi khi cho biết nhờ loại cây ăn quả này, ông có thêm nguồn thu nhập khá.
“Đợt Tết Đoan Ngọ vừa rồi, không tính số bưởi biếu tặng bà con chòm xóm mà chỉ tính riêng bưởi tôi xuất bán cho thương lái thì được 6 tạ. Với giá bán 35 nghìn đồng/kg, tôi thu về hơn hai chục triệu đồng”, ông Bang cho biết.
Với nửa sào đất, ông Bang xuống giống 34 gốc bưởi. Ông Bang cho biết, cách thức trồng được ông tiến hành như nhiều loại cây ăn quả khác, tăng lượng nước tưới cho cây vào mùa nắng, lúc cây còn nhỏ và lúc cây ra hoa đậu trái, đồng thời thường xuyên bón phân hữu cơ cho cây, tưới NPK lên lá để kích thích cây nảy chồi, đẻ nhánh, ra hoa...
Theo kinh nghiệm của ông Bang: “Bưởi da xanh ra trái quanh năm. Do đó, để có nhiều sản phẩm đưa ra thị trường vào thời điểm giá cả có lợi cho người sản xuất, thì nên kích thích cho cây ra hoa, đậu trái từ 7 đến 8 tháng trước ngày thu hoạch”.
Cũng giống như ông Bang, ông Võ Hữu Bưởi cũng tỏ ra phấn khởi khi giới thiệu những trái bưởi của gia đình ông trồng có trái đạt trọng lượng lên đến 3kg. “Bưởi nhà tôi trồng đến năm thứ ba thì bắt đầu ra trái. Có bao nhiêu thương lái đến thu mua hết. Sức khỏe tôi yếu, không lao động nặng được nên trồng cái này coi vậy mà được, không tốn công chăm sóc nhiều mà hiệu quả kinh tế lại cao”, ông Bưởi nói.
Vào thời điểm bắt đầu thực hiện mô hình trồng bưởi da xanh, Trạm Khuyến nông tỉnh tiến hành lựa chọn hai địa hình khác nhau là vùng đất gò đồi và vùng đất phù sa ven sông Lò Bó để qua đó đánh giá nơi nào phù hợp để trồng giống bưởi này.
Ông Võ Thanh - Phó Bí thư Đảng ủy xã Phổ Hòa nhận xét: “Theo khảo sát chúng tôi nhận thấy, chất lượng và trọng lượng của trái bưởi được trồng ở vùng đất phù sa có nhỉnh hơn một chút. Tuy nhiên, nếu xét về số lượng thì vùng đất gò đồi lại nhiều hơn. Cái này có thể do phụ thuộc vào quá trình chăm sóc".
Vừa qua, Ban Thường vụ Đảng ủy xã cũng đã bàn bạc sắp tới sẽ đánh giá tổng thể về mô hình này, nhằm xem xét có thể nhân rộng ra thành loại cây chủ lực để người dân địa phương phát triển kinh tế hay không. Bởi thời gian qua khi thấy những hộ gia đình đã trồng, đạt kết quả, nhiều người dân trong xã đã bày tỏ nguyện vọng được hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật để trồng cây bưởi da xanh”.
Từ thực tế này, chính quyền xã Phổ Hòa (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) cũng đã “tiếp sức” hơn 1.000 cây giống hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích bưởi da xanh trên địa bàn.
0 nhận xét: