Tháng 6 âm lịch là vào mùa nhãn lồng ở Huế. Vào những ngày này, nhãn được bày bán khắp mọi nơi từ trong nội, ngoại thành đến các chợ quê.
Loanh quanh thành phố có mấy hàng bán nhãn Huế ở cửa Đông Ba, cửa Quảng Đức, của Thượng Tứ… nhưng trái nhỏ bằng ngón tay út. Một vài hàng trái cây các chợ cũng bày bán nhãn Thái, nhãn lồng Hưng Yên nhưng vẫn gán “mác” nhãn Huế để hút khách.
Việc phân biệt các loại nhãn được những người bán hàng lâu năm chia sẻ: nhãn lồng Hưng Yên cành to, chắc, vỏ thường có màu ngả xám, quả to, cùi dày, không có vị thơm; nhãn Thái vỏ cứng, màu vàng, ngọt đậm; nhãn lồng Huế quả không to lắm, vỏ mỏng màu vàng lộ rõ những đường gân xanh, có thể bấm nhẹ bằng tay vỏ nhãn đã nứt và dậy mùi thơm.
Bà Hồ Thị Sêm, một người bán trái cây vườn Huế lâu năm cho rằng: “Bữa ni người ta ít lồng nhãn vì tiền công khâu này cao. Hơn nữa, nhãn hay bị hái trộm nên gia chủ đành hái non, bán rẻ kiếm tiền đi chợ. Ngay cả nhãn nhỏ cũng có nhãn Hưng Yên đưa vào nên không sành ăn vẫn bị nhầm”
Nhãn Huế có hai loại là nhãn ướt và nhãn ráo. Nhãn ướt nhiều nước và thịt mềm. Nhãn ráo giòn, thịt dày và hột nhỏ. Cây nhãn được trồng nhiều nơi nhưng người ta đồn rằng giống nhãn ngon nhất được mọc trên những con đường vòng quanh Thành Nội. Đến mùa nhãn chín, người ta lồng nhãn trong những chiếc túi được bện bằng cỏ hay được đan bằng tre để tránh chim ăn. Dân ca có câu:
“Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi”
Người Huế đọc chệch từ nhãn thành nhỡn và trong dân gian thường lưu truyền rằng chỉ có nhỡn Huế mới có độ ngọt thanh. Có lẽ sau này nhờ các tiến bộ khoa học, kĩ thuật đã lai tạo được nhiều giống nhãn có chất lượng cao nhưng không có loại nhãn nào có độ thơm ngon như nhãn Huế. Trái nhỏ nhưng thịt dày, hạt bé, cơm thường bám chắc vào hột. Xưa kia, nhãn là loại trái cây dùng để tiến dâng vua và các cung tần mỹ nữ.
Về xứ vườn Kim Long, Thủy Biều, số lượng vườn có nhãn hiện còn rất ít và cũng hiếm thấy nhà nào lồng nhãn. Bởi việc lồng nhãn rất kỳ công, nguy hiểm và yêu cầu khéo léo, thế nên số lượng người làm nghề này ở Huế hiện không còn nhiều.
Riêng việc lồng nhãn phải đâu thang tre và làm giàn trên cây cho tiện di chuyển. Mo cau khô được thu mua với số lượng lớn, về nhúng nước, kết thành từng bị, treo trên giàn bếp. Khi hạt nhãn vừa chuyển màu đen, “ướm” tới thì tiến hành lồng mo cau. 20-30 ngày sau, khi trái “kết”, chín mọng thì có thể thu hoạch.
Còn nhãn Đại Nội nức tiếng cũng đã thu hoạch sớm khi trái vừa ăn có độ ngọt. Trái nhãn Đại Nội vỏ mỏng, ngọt thanh, khi bóc dậy mùi thơm nhẹ. Lý giải cho việc thu hái nhãn sớm, là do chủ thầu không còn mặn mà với công đoạn lồng trái khi phải chinh phục độ cao bằng phương pháp thủ công. Bên cạnh đó, người thầu nhãn muốn thu hái sớm để bảo toàn sản lượng, tránh bị chim, dơi... phá.
Nhãn là một trong những loại cây trái đặc sản của xứ Huế mộng mơ; người đi xa thường gói ghém một ít làm quà như để mang theo chút tình quê hương.
0 nhận xét: