Không ít nông dân thôn Đaguri, thôn La Dày và thôn Đa Tro xã Đa Mi (Hàm Thuận Bắc) đang thu hoạch quýt trái vụ. Diện tích quýt xen canh và chuyên canh toàn Đa Mi ước khoảng 200 ha, từ trước Tết Mậu Tuất đến nay đã mang lại nguồn thu khá cho nhiều nông dân ở xã vùng cao này.
Sản phẩm quýt chất lượng cao được trồng tại vườn của chị Dương Thanh Bình.
Chị Trần Thị Út, chủ của 500 cây quýt đường, loại to trái, trồng trên lưng chừng đồi Đa Tro, trên đường đi thác 9 tầng cho biết: “Cây quýt, nếu chăm sóc tốt sẽ cho trái nhiều tháng. Năm nào cũng vậy, sau khi bán lứa quýt tết, chúng tôi bồi dưỡng cây, để kéo vụ quýt ra sau tết, khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4”.
Cũng theo chị, sau khi thu hoạch vụ tết, cây quýt được tưới đủ nước 3 - 5 ngày một lần để gốc quýt có độ ẩm ổn định. Sau đó là tỉa cành già để quýt tập trung ra trái trên những cành mới. Muốn vậy, phải bón các loại: đạm, lân, kali, phân hữu cơ… cho cây. Đối với cây quýt, cần chú ý đến các loại sâu. Đó là sâu nhớt xuất hiện từ tháng 2 - 4; sâu vẽ bùa trong tháng 4. Khi phát hiện sâu nên phun xịt theo hướng dẫn của ngành bảo vệ thực vật.
Mùa quýt đường Đa Mi sẽ kéo dài đến khi Đa Mi xuất hiện mưa đầu mùa.
Còn chị Dương Thanh Bình, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đa Mi, cho hay: Vườn quýt của người thân chị tại thôn Đaguri rộng 12 ha. Từ trước Tết Mậu Tuất đến nay, bình quân cho 500 kg/ngày. Nhà vườn đã luôn chăm sóc tốt cây, cũng như áp dụng kỹ thuật để cây cho trái theo ý muốn. Hiện nay, quýt đường Đa Mi được thương lái từ Lâm Đồng, Đồng Nai vào tận vườn mua và giá có nhích lên so với tết, trên 20.000 đồng/kg.
Mùa quýt đường Đa Mi sẽ kéo dài đến khi Đa Mi xuất hiện mưa đầu mùa. Khi đó quýt không còn ngọt và trái dễ bị hư.
0 nhận xét: