Cuối năm 2017, hai hộ gia đình thuộc thôn Bình Hải, xã Gio Bình, huyện Gio Linh chủ động chuyển đổi diện tích trồng cao su sang trồng giống ổi lê Đài Loan trên vùng gò đồi Khe Ao. Sau hơn 4 tháng, 2 ha ổi sinh trưởng tốt và đã ra hoa. Theo đánh giá của chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương, mô hình mới này mang lại nhiều triển vọng.
Trò chuyện cùng chúng tôi về mô hình mới của địa phương, anh Bùi Ngọc Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Gio Bình cho hay, từ trước tới nay, người dân Gio Bình chủ yếu trồng cây cao su tiểu điển và chăn nuôi đại gia súc. Qua nhiều năm canh tác, người dân nhận thấy cây cao su tuy mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng giá cả không ổn định và mỗi khi mùa mưa bão đến, cây gãy đổ rất nhiều, gây thiệt hại không nhỏ.
Trước thực tế ấy, vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân trong xã đã chủ động liên hệ, hoán đổi đất với Công ty Cao su Quảng Trị để sử dụng nguồn đất tập trung trồng cây ăn quả và xen canh cây nghệ vàng. “Điển hình là mô hình trồng ổi lê Đài Loan áp dụng công nghệ mới ở vùng đồi Khe Ao. Hiện nay, có 2 gia đình trồng giống ổi mới này trên diện tích 2 ha. Không chỉ sử dụng giống cây mới, hai chủ vườn còn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác”, anh Dương nói.
Theo chân anh Dương, chúng tôi đến thăm vườn ổi lê Đài Loan đang độ lớn của ông Lê Văn Đồng và Lê Hữu Hiện trên đồi Khe Ao, thuộc thôn Bình Hải. Gặp chúng tôi trong lúc đang chăm bón cho vườn ổi rộng 1ha được quy hoạch bài bản, ông Hiện nói: “Trước đây, vùng đất này chuyên trồng cây cao su tiểu điền. Nhưng mỗi khi mùa mưa bão đến, chúng tôi lại nơm nớp lo âu vì cây cao su gãy đổ nhiều, thiệt hại rất lớn. Năm ngoái, khi đến chu kì tái sinh, trồng mới cây cao su, tôi cùng một người nữa là ông Đồng bàn bạc với nhau trồng thử nghiệm giống cây mới. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy đất đỏ ba dan màu mỡ rất thích hợp trồng cây ăn quả. Sau khi được một người quen tư vấn, chúng tôi quyết định trồng giống ổi lê Đài Loan. Tháng 11/ 2017, chúng tôi ra Hà Nội mua cây giống ở Học viện Nông nghiệp và đem về trồng trên vùng đồi Khe Ao này. Mọi khâu từ chọn giống, đào hố trồng cây đến làm hệ thống nước tưới tôi đều tự học hỏi, mày mò qua sách báo, tài liệu và internet”. Vườn của ông Hiện được rào chắn xung quanh, hệ thống nước tưới nhỏ giọt dẫn đến từng gốc cây. Số vốn ông đầu tư để hoàn thiện vườn ổi khoảng 200 triệu đồng. Hiện nay, vườn ổi nhà ông đang sinh trưởng rất tốt.
Cạnh đó là vườn ổi lê Đài Loan xanh mướt của ông Đồng. Đưa bàn tay nâng niu những bông hoa ổi trắng tinh khôi, ông Đồng cho biết “Giống ổi lê Đài Loan rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Đây là giống ổi ghép nên sinh trưởng nhanh. Chỉ mới trồng 4 tháng mà ổi đã ra hoa lứa đầu tiên rồi. Ổi lê Đài Loan ra hoa quanh năm. Tháng nào cùng ra hoa cả. Chúng tôi phải ngắt hoa trong vòng một năm đầu tiên để cho cây tập trung sinh trưởng và tạo cành. Khi cây tròn 1 năm tuổi, sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên. Chúng tôi sẽ cho cây đậu hoa và khống chế chỉ cho ra từ 2-3 quả/cành. Những năm tiếp đó sẽ cho ra quả nhiều hơn”.
Ông Hiện cho biết thêm, trên diện tích 1ha, ông trồng từ 1.000 - 1.100 cây giống, cây cách cây 3m, hàng cách hàng 3m. Để hạn chế rủi ro trong canh tác, vừa qua, ông Hiện và ông Đồng ra tận Thanh Hóa, tìm đến những trang trại trồng ổi lê Đài Loan để tìm hiểu. Theo ông Hiện, từ năm thứ 3 trở đi, giống ổi này sẽ cho sản lượng ổn định khoảng 3-4 tạ quả/ cây/năm. Ổi lê Đài Loan có hình thức bắt mắt, ít hạt, quả giòn và ngọt nên rất được thị trường ưa chuộng. Với giá cả thị trường từ 20-30 ngàn đồng/kg thì trung bình 1ha sẽ cho thu được gần 500 triệu đồng/năm.
Đến thời điểm hiện tại, 2ha ổi trên đồi Khe Ao đang sinh trưởng rất tốt. Điểm mới ở mô hình này là người dân trồng ổi theo phương thức sạch, hướng đến sản phẩm chất lượng cao. “Chúng tôi chỉ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và không dùng bất cứ thuốc bảo vệ thực vật nào. Để phòng trừ sâu bệnh, dịch hại, tôi sử dụng chế phẩm tự nhiên từ nước xay ớt, tỏi rồi phun lên cây và bắt sâu thủ công. Muốn có đầu ra ổn định thì chúng tôi xác định trước tiên phải sản xuất được ổi sạch, không sử dụng chất kích thích, bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Khi đã xây dựng được thương hiệu ổi sạch thì mới mong thị trường đón nhận và tin dùng được”, ông Hiện cho hay.
Trao đổi với chúng tôi, thạc sĩ Võ Thị Tuyết Trinh, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Gio Linh cho biết: “Chúng tôi nhiều lần lên khảo sát, kiểm tra thì thấy 2ha ổi lê Đài Loan ở Gio Bình được trồng rất bài bản và đúng kỹ thuật. Từ khi mô hình triển khai đến nay, trạm thường xuyên chỉ đạo cán bộ nông nghiệp trực tiếp về theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân và kịp thời hỗ trợ nếu xảy ra sự cố. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang theo dõi quá trình sinh trưởng của cây. Mô hình này, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao và có thể nhân rộng trên nhiều địa phương khác có cùng điều kiện thổ nhưỡng ở vùng gò đồi miền Tây Gio Linh”.
0 nhận xét: