Với quyết tâm làm giàu từ cây chuối, anh Nguyễn Đình Túy ở xã Vũ Công, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã chọn vùng Ba Tầng (Hướng Hóa) để lập nghiệp. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện mô hình “chuối mồ côi” (chuối 1 cây) ở quê mới, đến nay mô hình của anh phát triển tốt và bắt đầu đem lại thu nhập, hứa hẹn cung cấp nguồn chuối chất lượng cho thị trường.
Mô hình “chuối mồ côi” hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao. |
Từ trung tâm xã Ba Tầng, chúng tôi vượt gần 3 km đường đồi dốc bằng xe máy và lội qua một con suối để vào thôn Trùm thăm mô hình “chuối mồ côi” của anh Túy. Trước bạt ngàn hàng chuối thẳng tắp, xanh mướt đang thời kỳ ra vụ bói đầu tiên, nhiều buồng chuối to, trái đều, đẹp mắt sắp đến thời kỳ thu hoạch làm cho khách tham quan không khỏi ngỡ ngàng và thán phục chủ nhân của mô hình đã dành nhiều công sức chinh phục vùng đất khó, biến nơi đây thành một vựa chuối lớn ở Hướng Hóa.
Trước đây, anh Túy làm việc cho một xưởng cơ khí ở thành phố Hồ Chí Minh khá nhiều năm. Tuy nhiên, thu nhập từ nghề cơ khí chỉ giúp gia đình anh đủ ăn mà không khá, giàu lên được. Vốn yêu thích các mô hình kinh tế nông nghiệp, năm 2015 anh trở về quê Thái Bình, sau đó đến Hưng Yên tìm hiểu, học tập kinh nghiệm làm ăn của các hộ dân ở địa phương và nhận thấy mô hình trồng “chuối mồ côi” phù hợp với khả năng, có thể giúp gia đình mình vươn lên. Tuy nhiên, vấn đề làm thế nào để có đủ diện tích đất triển khai thực hiện mô hình này cũng khiến anh trăn trở. Qua tìm hiểu thông tin trên internet, anh được biết vùng Lìa có khả năng giúp anh toại nguyện ước mơ làm giàu từ cây chuối. Sau đó anh đã có những chuyến lặn lội từ Hưng Yên vào Hướng Hóa để xem cách trồng chuối của người dân nơi đây; tìm kiếm, hợp đồng thuê đất để triển khai mô hình “chuối mồ côi”.
Từ nguồn vốn vay ngân hàng, mượn của người thân, anh Túy cùng với 3 người là anh em ruột của vợ vào thôn Trùm san ủi 30 ha đất và lựa chọn giống chuối mốc Thái đưa từ Hưng Yên vào trồng. Quá trình trồng chuối, anh dùng phân NPK để bón và tưới nước thường xuyên cho cây; chặt bỏ lá và cây chuối héo úa để bao phủ xung quanh các cây khỏe mạnh. Khi cây chuối đã trưởng thành và có nhiều chồi nhỏ, anh loại bỏ chúng và chỉ để lại một chồi duy nhất nhằm cải thiện sản lượng quả và sức khỏe của cây; cố định thân cây không bị bật gốc và ngã đỗ; sử dụng các túi ni long để che chắn buồng chuối… Anh Túy chia sẻ: “Tính đến thời điểm này, chúng tôi đã trồng được hơn 20 ha chuối và tổng kinh phí đầu tư thực hiện mô hình gần 1 tỷ đồng. Khoảng 1/3 trong số 20 ha chuối bắt đầu từ tháng 4 năm nay trở đi cho thu hoạch. Theo tính toán của chúng tôi, nếu thuận lợi thì bình quân 1 ha chuối sẽ cho khoảng 900 buồng chuối/vụ, sau khi chọn lọc sẽ có khoảng 600 buồng chất lượng, trái to, đẹp (bình quân mỗi buồng khoảng 13 kg). Như vậy, mỗi vụ chuối chúng tôi ước sẽ có khoảng 160 tấn, nếu giá như thời điểm hiện tại thì sẽ cho tổng thu nhập hơn 800 triệu đồng/vụ”.
Chuối là một mặt hàng xuất khẩu có lợi thế của huyện Hướng Hóa. |
Tuy nhiên, quá trình thực hiện mô hình này chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn như đường đi lại từ mô hình ra trung tâm xã chủ yếu là đường mòn người dân tự mở nên rất khó vận chuyển hàng hóa. Nguồn nước tưới cho cây chuối chủ yếu là từ giếng khoan nên chưa đảm bảo. Vùng đất trồng chuối phần lớn bị bạc màu nên cây chuối phát triển chậm hơn so với kế hoạch. Chúng tôi rất khó tìm thuê người phụ làm việc tại mô hình vì người bản địa không quen cách trồng chuối theo công nghệ cao… Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn hy vọng, nếu thuận lợi chỉ 1 vụ chuối đầu có thể thu được vốn và có lãi. Kế hoạch thời gian tới, khi đã đảm bảo được điều kiện kinh tế, chúng tôi tiếp tục đầu tư trồng chuối phủ kín 30 ha; đầu tư hệ thống dẫn nước từ khe suối (hơn 200 m) để tưới cho cây; mua xe ô tô vận chuyển chuối ra trung tâm xã nhập cho thương lái… Hướng Hóa là vùng đất có điều kiện về đất đai và khí hậu khá phù hợp với trồng cây chuối, do đó tôi mong rằng, người dân địa phương quan tâm đầu tư trồng chuối theo công nghệ cao. Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc, xây dựng mô hình “chuối mồ côi” cho những người có nhu cầu”.
Để đảm bảo cho quá trình trồng, chăm sóc chuối, anh Túy đã khoan giếng tưới nước cho cây và để sinh hoạt; dựng một căn nhà sàn khá rộng ngay giữa vườn chuối để ở, trồng rau sạch, nuôi gà tự cung tự cấp... Vì đường đi lại khó khăn, không có điện lưới vào đến nơi, nhờ trước đây làm nghề cơ khí nên anh Túy đã chế tạo các thiết bị để lấy điện từ năng lượng mặt trời phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Trước khi triển khai mô hình, anh Túy may mắn được chị Lê Thị Thu Diệu, một người thu mua chuối lớn lâu năm ở Hướng Hóa ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu sang Thái Lan và Trung Quốc. Chị Diệu cho biết: “Bình quân mỗi năm, tôi thu mua khoảng 8.000 tấn chuối tại các xã Tân Long, Tân Lập và Lào để xuất bán sang thị trường Thái Lan và Trung Quốc. Là người thu mua chuối quả lâu năm nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy ở Hướng Hóa có người đầu tư trồng chuối với quy mô lớn, bài bản như anh Túy. Qua khảo sát chuẩn bị thu mua vụ đầu tiên tại mô hình “chuối mồ côi” của anh thì cây chuối được chăm sóc tốt, buồng và quả to, chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn của bạn hàng nước ngoài. Vì thế, chất lượng chuối của anh sẽ có giá thành cao hơn các loại chuối mà người dân địa phương trồng theo phương thức truyền thống”.
Xây dựng thành công mô hình “chuối mồ côi” ở vùng sâu, vùng xa không hề dễ dàng nhưng với sự cần cù, chịu khó, anh Túy và người thân vẫn quyết tâm gắn bó lâu dài với mảnh đất Hướng Hóa. Họ kỳ vọng một ngày không xa, mô hình này không chỉ sẽ đem lại nguồn thu lớn cho gia đình mà còn được nhân rộng, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
0 nhận xét: