Người Đà Lạt ở xa, chẳng hiểu lúc đông sang có nhớ về phố núi. Mùa này, những cơn mưa và mây mù đã đi vắng, chỉ còn bầu trời cao xanh, trong vắt. Bình minh chở nắng lạnh ngọt ngào, dịu dàng hôn lên má người đi trên phố. Phía ngoại ô, rừng thông như suối tóc được gió chải suốt ngày đêm, đã sạch khô và hát lên những giai điệu du dương, dìu dặt. Những vạt dã quỳ như gói cả mùa thu để đông sang khoe sắc vàng rực rỡ.
Trong những khu vườn, dường như ai đó vừa mắc lên cây hàng vạn ngọn đèn màu lấp lánh? Người ta đang chuẩn bị một lễ hội nào chăng? Không phải đâu, đó là những cây hồng trút lá, chỉ còn quả chín trĩu trịt trên cành.
Cây hồng bén rễ Đà Lạt từ bao giờ biết ai còn nhớ? Nhưng có một điều chắc chắn, người Đà Lạt khi xa quê hẳn không quên về một loại trái cây đặc sản, một thứ “thức dâng” của đất trời Đà Lạt, đó là quả hồng. Hình ảnh những đồi hồng bát ngát phía ngoại ô hay những cây hồng đứng lặng lẽ cạnh căn biệt thự cổ kính từ lâu đã in sâu vào ký ức bao thế hệ người Đà Lạt và cả những vị khách phương xa như một nét riêng độc đáo của cảnh sắc phố núi.
Hồng trồng ở Đà Lạt do phù hợp với điều kiện khí hậu nên được coi là trái cây đặc sản của xứ xương mù. |
Hồng Đà Lạt là loài cây báo mùa. Khi quan sát cây hồng, người ta có thể thấy khá rõ nhịp trôi chảy của thời gian. Vào mùa đông, cây trút lá, chỉ còn trơ những nhánh cành khẳng khiu, lặng lẽ ngủ vùi suốt mùa gió lạnh. Mùa xuân tới, trên thân cây xám mốc bật lên những mầm xanh mỡ màng, mập mạp. Ban đầu, mầm cây chỉ bé bằng đầu đũa, nhưng chỉ vài ngày sau đã dài ra cùng với những phiến lá tròn như mảnh ngọc. Từ nách lá xòe ra những bông hoa 5 cánh màu xanh lục, giữa có một nhụy tròn như mắt côn trùng đang mở. Chính “con mắt” ấy sẽ lớn dần lên thành quả hồng. Trong suốt mùa hè, cây hồng giấu quả trong những tàng lá xum xuê, màu của trái lẫn vào màu của lá nên người ta khó phát hiện ra quá trình sinh trưởng của nó. Cuối thu, khi những chiếc lá ngả màu, bắt đầu rụng xuống, để lộ ra chi chít những trái hồng lúc lỉu, căng mọng, chuyển dần từ màu xanh sang màu vàng rồi màu đỏ lựng khiến cho lòng người cũng rạo rực, hân hoan theo.
Đà Lạt có nhiều giống hồng như hồng bát, hồng trứng, hồng bánh xe, hồng không hạt… Mỗi loại đều cho một hương vị độc đáo. Quả hồng chín có thể ăn tươi hoặc sấy khô, làm mứt. Tuy nhiên, có một cách ăn được nhiều người ưa thích đó là hái những trái hồng già bỏ vào 1 bao ni-lông kín, cột chặt lại, sau 3-4 ngày là dùng được. Sản phẩm này được gọi là hồng giòn. Khi bổ ra, những miếng hồng như miếng cau tươi, màu xanh nõn nà, đưa lên miệng sẽ cảm giác được độ giòn, ngọt dịu dâng đầy. Gần đây, người ta còn làm hồng sấy kiểu Nhật Bản bằng cách treo những trái hồng chín trong nhà kính cho gió thổi khô giống như miếng mứt tròn, ngoài dai, trong mềm, ngọt lịm, thành món quà sang trọng. Ăn một miếng hồng, ta như ăn cả một mùa đông Đà Lạt với sự mát lạnh của những ngọn gió Bắc thổi về từ chốn xa xôi, cùng vị ngọt của dòng suối cao nguyên và hương thơm của cánh đồng hoa bát ngát.
Với nhiều người, hồng Đà Lạt hấp dẫn không chỉ bởi vẻ đẹp bắt mắt, vị ngon mà bởi nó là loại trái cây sạch. Cây hồng quanh năm chỉ sống nhờ vào khí trời, mưa nắng và sự màu mỡ vốn có của đất mẹ cao nguyên. Chính sự tinh khiết và trong sạch ấy khiến cho vị ngon, dẫu chỉ là cảm giác, của thực khách càng tăng thêm khi thưởng thức quả hồng.
Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, việc thưởng thức theo mùa đối với nhiều loại trái cây không còn nữa. Thay vào đó, người ta có thể thưởng thức cam, quýt, nhãn, bưởi, ổi… quanh năm. Riêng với quả hồng thì không, vì chưa ai có thể điều khiển được hồng ra trái mùa và mùa hồng chín cũng trôi qua khá nhanh. Điều này khiến cho người ta càng thêm thèm nhớ. Giống như người ta yêu cả năm mới được gặp một lần nhưng phút giây hội ngộ sao mà ngắn ngủi.
0 nhận xét: