Giống ổi Đồng Nai hiện đang được nông dân một số nơi trên địa bàn tỉnh trồng trên nhiều chân đất và đang tỏ ra thích nghi với chất đất thịt vùng đồng bằng.
Nông dân Quảng Trị đã học hỏi cách trồng ở miền Nam về áp dụng khá thành công và đang cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ gia đình đã lựa chọn cây ổi làm cây trồng chủ lực trong việc cải tạo vườn tạp cho thu hoạch với năng suất cao, bán được giá, mang lại thu nhập khá.
Vườn Ổi xá lị Đồng Nai xanh tươi trên vùng đất Quảng Trị. |
Sau nhiêu năm loay hoay trồng nhiều loại cây ăn quả bản địa nhưng không có loại cây nào mang lại hiệu quả, gia đình ông Nguyễn Ngọc Dũng ở thôn An Trú, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong quyết định cải tạo vườn tạp, trồng vườn chuyên canh một loại cây có giá trị kinh tế cao và sản phẩm bán chạy trên thị trường để phát triển kinh tế gia đình từ vài sào đất vườn gần nhà.
Vốn là người có nhiều kinh nghiệm làm vườn, khi biết được giống ổi Đồng Nai cho năng suất cao, chất lượng thơm ngon, giòn, ít hạt, được người tiêu dùng yêu thích nên bán được giá trên thị trường, ông Dũng tìm mua giống ổi này về trồng thử. Ban đầu chỉ trồng vài cây thử nghiệm, sau gần 2 năm chăm bón, ổi bắt đầu cho thu hoạch quả to, đẹp và chất lượng tốt. Từ kết quả trồng thử nghiệm, ông Dũng triển khai trồng đại trà 200 gốc ổi xá lị Đồng Nai và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nên đến nay vườn ổi đã cho thu nhập mỗi vụ gần 100 triệu đồng.
Ông Dũng cho biết: “Giống ổi xá lị Đồng Nai thích hợp với chất đất và khí hậu ở Quảng Trị. Kỹ thuật trồng cũng không khó lắm, nhưng đòi hỏi sự cần mẫn, chăm chỉ của người làm vườn. Muốn ổi đạt chất lượng cao, cho quả to cần phải thường xuyên vun gốc và xới tơi đất để rễ cây ổi dễ phát triển, đồng thời cắt đi những cành lá sát chân gốc để tạo sự thông thoáng cho cây và giúp cây nuôi trái. Trái ra bằng ngón tay là bọc nilon để không bị các loại sâu bệnh xâm nhập phá hoại, không ảnh hưởng thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm ổi hoàn toàn sạch. Đến mùa thu hoạch, gia đình tôi hái không kịp bán. Trồng giống ổi này cho hiệu quả cao hơn nhiều các giống ổi bản địa trước đây”.
Ổi xá lị Đồng Nai có đặc điểm là trái to đều, nếu chăm sóc tốt có thể cho thu hoạch trong 8 - 10 năm. Ưu điểm của giống ổi này là cho thu hoạch từ 7- 8 tháng trong năm, bắt đầu từ tháng 6 năm trước cho đến khoảng gần tháng 2 năm sau nên nông dân có thu nhập trong thời gian dài. Năng suất trung bình từ 40- 50 tấn/ha/ năm. Với giá thị trường hiện nay khoảng 8- 10 ngàn đồng/kg thì mỗi héc ta ổi mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho nông dân.
Theo kinh nghiệm của ông Dũng, trồng giống ổi này cần phải chúý khâu xử lý cắt đọt tỉa tán để cây ra trái nhiều và chủ động được thời điểm thu hoạch theo đúng ý đồ người trồng. Ông thường thu hoạch theo kiểu cuốn chiếu để bố trí hợp lý công lao động, lại bán sản phẩm được tươi, ngon, giá cao. Vườn ổi của ông Dũng được chăm bón theo phương pháp hữu cơ, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm rất an toàn. Từ sự thành công trong trồng ổi của gia đình ông Dũng, nhiều hộ nông dân đã đến học hỏi và nhân rộng mô hình sản xuất này trong cải tạo vườn tạp.
Ổi được nhiều người ưa chuộng do có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người nên nhu cầu tiêu thụ rất cao. Cây ổi xá lị miền Nam hiện chỉ mới phát triển trên đất Quảng Trị ở diện tích nhỏ, sản phẩm chưa đủ cung cấp cho người tiêu dùng nội tỉnh. Do đó, mô hình trồng ổi sẽ giúp người nông dân có thêm hướng đi mới phát triển kinh tế vườn tại Quảng Trị. Cải tạo vườn tạp, phát triển đa dạng hóa các loại cây trồng nhưng theo hướng chuyên canh và ứng dụng phương pháp canh tác sạch, tạo ra sản phẩm sạch đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng là hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Trồng ổi xá lị miền Nam là một mô hình sản xuất mới trên đất Quảng Trị cho hiệu quả kinh tế cao đang được người dân học hỏi, nhân rộng. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ nhiều loại cây trồng khác trong sản xuất nông nghiệp, việc phát triển cây ổi cũng cần có sự quản lý và phát triển trong quy hoạch, không nên phát triển ồ ạt dễ dẫn đến sản phẩm nhiều vượt quá nhu cầu tiêu dùng, khó tiêu thụ sản phẩm. Ngành nông nghiệp và người nông dân cần có sự tính toán hợp lý để loại cây trồng mới này mang lại nguồn thu nhập lớn và bền vững cho người sản xuất.
0 nhận xét: