Cây cam được trồng nhiều ở các xã trên địa bàn huyện Thanh Miện từ 3 đến 5 năm trước. Đến nay, toàn huyện đã có khoảng 45 ha cam, chủ yếu là các giống: cam Vinh, cam Canh và cam Bố Hạ… Hiệu quả từ cây cam cao hơn hẳn so với nhiều cây trồng khác vì vậy Thanh Miện coi cam là cây trồng chủ lực sẽ quan tâm đầu tư phát triển diện tích trong thời gian tới.
Cam Vinh trồng tại xã Tiền Phong (Thanh Miện) cho năng suất từ 16-23 tấn/ha.
Chi Lăng Nam là xã có diện tích trồng cam lớn nhất huyện Thanh Miện với tổng diện tích khoảng 12 ha. Người trồng cam cho biết, sau khi đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều địa phương, cũng như tìm hiểu thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nhận thấy cây cam phù hợp với đồng đất, điều kiện canh tác và cho thu nhập ổn định chính vì vậy nhiều hộ dân đưa giống về trồng trên các diện tích chuyển đổi. Sau 5 năm trồng và chăm sóc đến nay, một số vườn cam đã cho thu hoạch với tổng sản lượng hàng năm khoảng 50 tấn.
Không chỉ ở Chi Lăng Nam, nông dân ở các xã Tiền Phong, Cao Thắng, Thanh Giang, Tứ Cường cũng mạnh dạn đưa giống cam trồng trên các diện tích chuyển đổi. Trong quá trình sản xuất, người dân được cơ quan chức năng cũng tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ trồng. Với năng suất cao và giá bán ổn định trong những năm qua nên các hộ trồng cam có thu nhập khá cao.
Trừ chi phí các hộ trồng cam Vinh thu lãi về trên 300 triệu đồng/ha.
Nhận thấy hiệu quả từ cây cam mang lại, năm 2019, Thanh Miện tiếp tục mở rộng diện tích trồng cam ở những xã có điều kiện phù hợp với diện tích khoảng 15 ha và năm 2020 phát triển thêm 10ha nữa.
Song song với việc mở rộng diện tích, Thanh Miện cũng sẽ tuyên truyền để người dân trồng nhiều giống cam mới có năng suất và chất lượng cao nhằm đa dạng các sản phẩm tránh tình trạng sản lượng tăng đột biến, dẫn đến khó tiêu thụ, giảm hiệu quả kinh tế.
0 nhận xét: