Trên đường từ Kandy về Colombo, bác tài cho xe dừng lại vài phút giữa lưng đèo. Có chục quầy hoa quả đang héo hắt chờ đợi khách mua hàng nhưng nhất định không chào mời hay chèo kéo.
Tới lúc ấy tôi mới chợt phát hiện ra hai điều: Thứ nhất là người Sri Lanka có tỉ lệ nói tiếng Anh khá cao, chí ít là vài câu đơn giản. Ngay cả anh chàng bán hoa quả lề đường cũng có thể trả lời được giá tiền bằng tiếng Anh. Thứ hai là trái cây của Sri Lanka có lẽ chán nhất quả đất. Âu là trời chỉ cho được một thứ.
Hòn đảo Tích Lan giờ đã thành một trong những thủ phủ trà lớn nhất thế giới. Đất xứ này trồng trà ngon đến xuýt xoa, nhưng khi đem gieo hạt trái cây thì thực tồi tội như nàng tiểu thư xứ quê mặc nhầm phải áo mệnh phụ.
Đầu tiên là dừa. Như mọi vùng biển khác, Sri Lanka có rất nhiều dừa nhưng nước bên trong nhạt hoét đến tức miệng. Xong tôi chẳng thèm thử cùi dừa nữa.
Thứ hai là dưa hấu. Sri Lanka cũng có rất nhiều dưa hấu, loại tròn nhỏ nhắn như trái bưởi con nhưng nhiều hạt và nhạt thếch, nhìn màu hồng rất nhạt là biết vị ngọt đã tan biến vào trong đất để làm chất bổ dưỡng cho cây trà mất rồi.
Thứ ba là xoài. Ngoài chợ bán rất nhiều xoài, to hẳn hoi. Hôm ấy em gái tôi mang xuống phòng cho quả xoài ăn dở một nửa. Mới đi Kandy về đói mèm vì chưa được bữa tối, lại còn khát nước nữa. Vừa đói vừa khát tôi vồ lấy quả xoài với thái độ đầy biết ơn, dù nó nhạt phèo. Ăn xong đến tận hạt thì thấy cổ họng có vị đăng đắng.
- Xoài này sao có vị đắng? – Tôi đưa mắt nghi ngờ.
- Ừ đúng rồi đấy ban nãy em cũng thấy đắng.
Rõ rồi, nó vẫn có thói quen từ hồi nhỏ, ăn cái gì thấy vị lạ thường hay đem mời người khác một nửa để nhỡ đâu bị ngộ độc thì cùng chịu chung cho vui, mà cứ phải mời người thân nhất mới ra nhẽ. Người Sri Lanka thực thà, chẳng bao giờ biết làm gian mà phun thuốc hóa học vào trái cây, nên vị đắng này chỉ có thể là do giống xoài tội nghiệp mà ra.
Thứ tư là mãng cầu. Nó tròn xoe và có những cái gai rất to trông là lạ, tôi quý hóa mua hai quả nặng hơn cân mang từ Kandy về Colombo, rồi tải qua Maldives, transit ở Singapore xong mới hạ cánh an toàn ở Nội Bài. Hai quả mãng cầu đi qua bao đường đất, núi đồi, đại dương, chu du từ xe buýt đến xe tải, tàu thủy lên máy bay và cuối cùng ngồi chễm chệ trên bàn ăn nhà tôi.
- Quả này quý lắm đấy – Tôi bảo con gái trong phần desert.
Nàng háo hức cắn một miếng to rồi từ chối bảo con đủ rồi mẹ ăn nốt đi. Quả mãng cầu này không chua dôn dốt và thơm như mãng cầu xiêm, không ngọt và thanh như na, mà múi của nó nhạt nhẽo, lại cũng... hơi đăng đắng nữa.
Thứ năm là quýt. Quýt thì không nhạt, chỉ chua không chịu được.
Và cuối cùng là thứ quả được coi là thiêng liêng và bổ dưỡng nhất trong các loài cây trái trên đảo là quả quách (wood apple). Quả quách chỉ có ở Sri Lanka và một vài vùng trên đất Ấn. Vỏ nó cứng như đá và có màu xám vàng hoặc xanh lá cây. Ngoài chợ hay bán quách nhưng tôi không để ý vì tưởng một loại củ để nấu ăn.
Hôm sau thấy trong một hiệu thuốc bán hộp nước quả ép có hình trái quách tôi thấy lạ nên mua liền. Uống một hơi thấy vị ung ủng như trái thiu. Trong sách người ta tả trái quách có mùi gần giống như pho mát xanh mà nếu đi ngoài chợ bạn sẽ ngửi thấy nó ngay lập tức trước khi nhìn thấy.
Lúc ra sân bay em gái tôi khoe:
- Hôm nay em vừa mua được hộp nước quả này ở siêu thị hay lắm. Nó đề “quả táo gỗ”. Em mua thử xem sao.
- Đâu đưa đây coi – Tôi nheo mắt chờ đợi dù biết tỏng nó là thứ gì.
Một hộp nước ép quách bản sao. Có lẽ chị em thì cần phải giống nhau. Cả đoàn mười sáu con người có ai đi mua nước trái quách đâu mà mình mua mỗi người một hộp rồi giấu kỹ trong vali cho quý hóa chi vậy Trời. Nói chung các loại cây trái trên đảo ăn nhang nhác giống quả dại, mà một công dân ở xứ sở cây trái xum xuê trĩu trịt quanh năm như tôi thực chịu hết nổi.
0 nhận xét: