Ông Lê Văn Hùng, ở Ấp Tân Phú, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang là nông dân đầu tiên ở xã áp dụng thành công kỹ thuật phủ lưới lên vườn mận An Phước để phòng chống ruồi vàng đục trái.
Được biết, ông Hùng có khoảng 0,4 ha trồng mận An Phước được khoảng 7 năm tuổi, nhưng một năm trở lại đây ông Hùng mới thực sự yên tâm với mảnh vườn nhà mình. Sau khi phủ lưới trắng lên toàn bộ vườn mận, việc chăm sóc cây của ông hết sức nhẹ nhàng, chỉ rãi phân, tưới nước mà không cần phải phun thuốc trừ sâu để trị ruồi vàng như trước nữa.
Trước khi dùng lưới cước phủ lên vườn, ông cũng như bao nông dân trồng mận khác, phun thuốc sâu từ 4 đến 5 lần cho 1 đợt trái nhưng nhiều lúc vẫn bị ruồi vàng đục trái, bán giá thấp, thậm chí là không bán được. Khi xem thông tin trên đài truyền hình, ông đã mạnh dạn làm theo, phủ lưới cước màu trắng lên 4 công mận nhà mình. Công việc bao phủ lưới lên toàn bộ 4 công vườn cũng gặp nhiều khó khăn vất vả.
Ban đầu là mua lưới cước trắng về, rồi mua máy may (loại máy may cầm tay để may bao đựng gạo), vì theo ông: “may tay tới khi nào mới xong”. Trong lúc may lưới thì phải hạ độ cao cây mận để dễ phủ lưới hơn và thuận tiện cho việc hái trái sau này. Với 4 công vườn, gia đình ông mất 2 ngày mới phủ hết lưới lên vườn. Để tránh côn trùng xâm nhập vườn, ngoài việc dằn mép lưới thật kỹ thì cửa ra vào cũng được thiết kế 2 lớp.
Chi phí phủ lưới khoảng 7 triệu đồng/công, thời gian sử dụng được 3 vụ trái. Năng suất mận của ông khoảng 1 tấn/ vụ, giá bán ổn định khoảng 8.000 đồng/kg. Với 3 vụ trái, ông thu về 24 triệu đồng, chi phí phủ lưới là 7 triệu đồng, chì phí phủ lưới chiếm khoảng 30% thu nhập.
Vì không phun thuốc, nên sản phẩm của ông dễ dàng đạt tiêu chuẩn của nông sản an toàn. Nếu bán ở thị trường nông sản an toàn thì giá trị của trái mận sẽ nâng lên và lợi nhuận cũng tăng theo. Hiện nay, ông bán trọn vườn cho thương lái thu mua tận nhà. Với 4 công mận cho 2 vụ trái trên năm, mỗi năm ông cung cấp cho thị trường 8 tấn mận an toàn.
Phủ lưới lên vườn mận bước đầu không cho thu nhập lý tưởng vì chưa kết nối được thị trường tiêu thụ xứng với chất lượng, tuy nhiên đây là giải pháp tất yếu cho nông dân trồng mận ở Phú Tân trước áp lực ruồi vàng gây hại. Để mô hình này mang lại thu nhập xứng với chất lượng nông sản thì cần có sự liên kết tiệu thụ. Có như vậy thì nông sản an toàn mới đến được với nhóm khách hàng cần nông sản an toàn và mang về thu nhập tương xứng cho người nông dân.
0 nhận xét: