Trong những năm gần đây, bà con nhà vườn trên địa bàn huyện Kế Sách đã phát triển mạnh cây vú sữa tím.
Vú sữa tím sau một thời gian bị lãng quên nay được nhiều nhà vườn quan tâm. |
Thực tế, đây là loại cây được trồng lâu đời tại địa phương, tuy nhiên giống cây cũ cho trái nhỏ, năng suất không cao. Do vậy, người dân đã nhập giống cây mới từ tỉnh bạn về trồng, cho sản lượng trái cao và chất lượng khá ngon.
Đặc biệt, tại một số xã, như: Xuân Hòa, Phong Nẫm, Trinh Phú… quy hoạch mở rộng diện tích và xã Trinh Phú đã thành lập Hợp tác xã (HTX) cây ăn trái chuyên canh loại cây trồng trên, mang lại nguồn thu đáng kể cho các thành viên.
Vú sữa tím đang vào vụ thu hoạch. |
Phấn khởi đưa khách tham quan vườn vú sữa của các thành viên trong HTX đang độ thu hoạch rộ, Giám đốc HTX Cây ăn trái Trinh Phú Hồ Văn Hội chia sẻ: “HTX có 13 thành viên, số diện tích trồng cây ăn trái 18,5ha, trong đó chuyên canh trồng vú sữa tím 10ha, phần còn lại trồng xoài Đài Loan và chôm chôm Thái. So với nhiều loại cây trồng khác, vú sữa tím nhẹ chi phí đầu tư nên thu về lợi nhuận cao. Bình quân 1 công vú sữa cho thu hoạch khoảng 50 tấn trái/vụ/năm. Hàng năm, sản lượng vú sữa của HTX xuất bán ra thị trường ước 500 tấn. Bên cạnh năng suất cao, vú sữa tím có giá khá tốt, thường đầu vụ là 35.000 đồng/kg và cuối vụ giá thấp nhất là 12.000 đồng/kg, thị trường “ăn hàng” vú sữa chủ yếu của HTX là chợ đầu mối Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh). Thông qua việc trồng cây vú sữa tím, nhiều thành viên đã có đời sống ổn định, thu nhập năm sau tăng cao hơn năm trước”.
Để minh chứng cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã cải thiện đáng kể nguồn thu của thành viên trong HTX, ông Hội đưa chúng tôi đến thăm vườn vú sữa tím của ông Đặng Văn Bình ngụ cùng ấp. Dù bận rộn hái vú sữa để kịp giao cho bạn hàng vào cuối ngày nhưng ông Bình vẫn nhiệt tình trò chuyện cùng chúng tôi.
Vú sữa tím bán chạy trong dịp lễ Tết. |
Ông Bình khoe: “Năm nay vú sữa đạt năng suất cao hơn năm trước, bởi tuổi của cây đã lớn và nhờ thời tiết khá thuận lợi nên tỷ lệ đậu trái cao. Tôi trồng vú sữa tím đến nay đã hơn 10 năm. Trước đây, tôi chỉ chuyên canh sầu riêng, năng suất khá tốt nhưng giá bấp bênh, thị trường tiêu thụ rất khó khăn, phải bán lẻ cho nhiều thương lái hoặc tự gia đình đem bán tại các chợ khi tới mùa thu hoạch, lợi nhuận thấp. Do vậy, khi đi tham gia vào HTX và cùng nhau trao đổi kinh nghiệm giữa các thành viên cũng như đi tham quan học hỏi mô hình cây ăn trái của một số tỉnh bạn, tôi quyết định chuyển đổi toàn bộ 15 công đất trồng sầu riêng sang trồng vú sữa tím. Sau 2 năm chăm sóc, cây vú sữa tím cho trái và vú sữa đạt năng suất cao, ổn định là lúc cây 5 năm tuổi trở lên. Với diện tích 15 công, mỗi năm thu hoạch khoảng 30 tấn trái, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận trên 300 triệu đồng”.
Cũng theo ông Bình, nguyên nhân chính mà ông hướng đến với cây vú sữa là muốn góp phần nhỏ tạo dựng một loại trái cây mang đặc trưng riêng của vùng đất Kế Sách, bởi tỉnh Tiền Giang có vú sữa lò rèn Vĩnh Kim nổi tiếng trong khi đó Kế Sách cũng là huyện có nhiều loại trái cây được biết đến như bưởi da xanh, bưởi Năm roi và vú sữa cũng trồng lâu năm tại địa phương, vì vậy cần phải phát huy, giới thiệu đến người tiêu dùng. Hướng tới, ông Bình sẽ mở rộng diện tích trồng vú sữa thêm 12 công.
Cũng là thành viên HTX Cây ăn trái Trinh Phú hơn 10 năm, ông Lê Văn Hoàng, Ấp 2 nhận định: “Cây vú sữa có thể xem là loại trái cây “sạch và an toàn” đối với người tiêu dùng, bởi người trồng rất ít khi phải sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để tưới phun cho cây. Sau mỗi đợt thu hoạch trái chỉ cần bón một ít phân hữu cơ thì cây đã lấy lại sức, việc cung cấp nước cho cây chỉ độ 1 lần/tuần, nếu mùa mưa không phải tưới nước mà cây vẫn phát triển xanh tốt, cho trái trĩu cành. Ngoài ra, cây vú sữa khá dễ trồng, nhẹ công chăm sóc nên nhiều bà con nông dân bên ngoài HTX cũng phát triển rầm rộ loại cây trồng này”.
0 nhận xét: