Mỗi ngày, vườn dâu tằm của gia đình ông Trần Văn Cường, ngụ ấp Hưng Thới 2, xã Phú Hưng (Phú Tân, An Giang) đón khoảng trăm lượt khách, riêng 2 ngày cuối tuần có hàng trăm người rủ nhau đến điểm hẹn mới này để mua trái dâu, tham quan và thưởng thức các sản phẩm từ dâu tằm và hoa atiso đỏ. Đây là thành công bước đầu của ông Cường sau 1 năm thử nghiệm đưa loại cây trồng Đà Lạt về xứ cù lao.
Phú Tân không phải là cái tên được nhắc đến nhiều khi mọi người có nhu cầu tham quan, vui chơi do các loại hình dịch vụ còn khiêm tốn. Thời gian gần đây, bên cạnh hành hương, người trong và ngoài địa phương đã tìm đến cù lao này nhiều hơn để trải nghiệm du lịch sông nước, trải nghiệm ở các địa chỉ vui chơi mới.
Vườn dâu tằm Ngọc Thái của gia đình ông Cường là một trong số “từ khóa” được nhắc đến nhiều trong mấy tháng qua. Vườn dâu cách trung tâm huyện không xa, nằm cạnh Hưng Hòa tự (tên gọi khác là chùa Cây Xanh) - ngôi chùa lớn thứ 2 của Phật giáo Hòa Hảo trên địa bàn huyện. Nằm ở vùng quê yên ắng nhưng bên trong vườn dâu lại rất xôm tụ náo nhiệt, bởi ngày nào cũng có rất nhiều nhóm học sinh, sinh viên đến họp mặt, dạo chơi trong vườn chụp ảnh những trái dâu chín mọng, hoa atiso đỏ, lạ mắt, thưởng thức các món giải khát từ trái dâu tươi. Bà Nguyễn Thị Thảo (vợ ông Cường) cho biết, ngoài việc thu hoạch trái tươi để bán, bà còn làm nước ép dâu, sinh tố dâu, nấu nước siro dâu, nước cốt atiso và mứt dâu tằm phục vụ tại chỗ. Nhiều khách hàng đến đây rất cảm mến tính tình hiền hậu của ông bà, bởi xác định phục vụ khách đến vui chơi là chính nên có người gợi ý làm rượu dâu, ông bà lắc đầu: “Chỉ chế biến đồ ăn, thức uống có lợi cho sức khỏe mà thôi”. Hiện nay, không chỉ có các bạn trẻ trong huyện đến ủng hộ, biết tin về vườn dâu tằm của ông bà, người ở xa cũng tìm đến mua rất nhiều, nhất là trái dâu tươi và mứt đóng hộp, sản lượng thu hoạch không đủ để cung cấp.
Việc chuyển đổi từ cây nếp sang trồng dâu tằm Đà Lạt để thu hoạch trái là quyết định khá hồi hộp của ông Cường. Sau nhiều năm trồng lúa nếp kém hiệu quả, ông Cường trăn trở tìm cây trồng để tăng năng suất, chất lượng và cải thiện thu nhập. Tích cực đi tìm và học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả, nhờ con trai gợi ý, ông Cường biết được cây dâu tằm đang ngày càng phát triển mạnh. Tìm hiểu qua sách và mạng Internet, ông rất tâm đắc về những công dụng của dâu tằm và hoa atiso đỏ đối với sức khỏe.
Trên diện tích 3.000m2, ông chuyển đổi trồng 500 cây dâu tằm đầu tiên thay cho lúa nếp. Sau 6 tháng chăm sóc dâu tằm bắt đầu cho thu hoạch trái, vụ đầu được 45kg, giá bán 50.000 đồng/kg. Hiện nay, mỗi ngày vườn dâu thu hoạch được 20kg trái tươi vẫn không đủ bán. Ông Cường cho biết, trước khi trồng chính thức, ông đã bỏ 1 năm thử nghiệm để đánh giá mức thành công của cây dâu tằm ở thổ nhưỡng địa phương. Quan trọng nhất là cách chăm bón dùng phân hữu cơ, kỹ thuật lặt lá và hoàn toàn không sử dụng phân thuốc để đảm bảo an toàn cho trái, đồng thời tránh thoái hóa đất khi trồng lâu dài. Đặc điểm của cây dâu tằm là càng thu hoạch đợt sau trái càng ra nhiều hơn. Có sẵn không gian nhà, ông Cường rào vườn dâu, đầu tư làm sân bóng chuyền, bóng đá và lợp lá làm các “tum” cho khách ngồi ăn uống. Xen kẽ với dâu tằm hiện nay có thêm cây atiso đỏ, chủ yếu thu hoạch hoa bán tươi hoặc nấu nước cốt đóng chai bán. Những khách hàng ở Tịnh Biên, An Phú, TX. Tân Châu và tỉnh Đồng Tháp đã biết đến và tìm mua sản phẩm rất nhiều.
Với giống cây trồng mới được xác định có lợi thế, gia đình ông được hỗ trợ vay vốn để đầu tư sản xuất. |
Từ những hiệu quả bước đầu mang lại từ vườn dâu tằm, sắp tới, gia đình ông Cường tiếp tục đầu tư bao lưới chống sâu hại cho cây trồng, cải tạo thêm 4 công đất để trồng dâu và không gian phục vụ khách hàng, nâng chất lượng các sản phẩm đang phục vụ để trở thành vườn sinh thái của địa phương. Với giống cây trồng mới được xác định có lợi thế, gia đình ông Cường đã được Hội Nông dân huyện Phú Tân hỗ trợ vay vốn 50 triệu đồng để đầu tư sản xuất.
0 nhận xét: