Chương trình “Đắk Nông- Mùa bơ chín năm 2018” dự kiến tổ chức vào khoảng tháng 6 năm 2018. Để sự kiện được diễn ra thành công, hiện tại, các ngành, địa phương của tỉnh đang gấp rút chuẩn bị các phần việc liên quan.
Theo ông Lê Văn Một, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) thì chương trình được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực như: Hội thảo phát triển vùng Bơ bền vững trên địa bàn tỉnh; Hội thi “Trái bơ ngon”; Lễ hội ẩm thực, triển lãm về bơ và kết nối cung - cầu bơ; trải nghiệm vườn bơ vào mùa…
Đây là chương trình mang tính chuyên đề về sản phẩm trái cây đầu tiên của tỉnh nên được các ngành, địa phương và doanh nghiệp, nông hộ trồng bơ trên địa bàn hưởng ứng rất cao. Các địa phương cũng mong muốn, chương trình sẽ tạo tiền đề vững chắc cho việc quảng bá các sản phẩm cây ăn trái tiếp theo trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Qua thống kê sơ bộ của các địa phương, đến nay, trên địa bàn tỉnh đang có khoảng 1.500 ha bơ trồng thuần và xen canh, với năng suất bình quân từ 7-9 tấn/ha. Diện tích bơ của tỉnh chỉ chiếm khoảng 4% trong tổng diện tích cây trồng, nhưng chiếm khoảng 20% về tổng sản lượng cây ăn quả trên địa bàn.
Bên cạnh đó, hiện nay, người dân đang rất tích cực trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và đưa các giống bơ mới vào sản xuất, với năng suất cao hơn và chất lượng ngày càng được cải thiện. Các giống bơ hiện được người dân trồng nhiều trên địa bàn tỉnh chủ yếu là bơ Booth, bơ Hass, bơ Cuba và bơ sáp…
Sản phẩm bơ không chỉ mang lại nguồn thu chính vụ, mà còn cho ra trái vụ, đáp ứng ngày một lớn nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, bơ trồng ở Đắk Nông được đánh giá là có vị thơm ngon đặc trưng, cơm dày, vàng, dẻo, hạt nhỏ, hàm lượng dinh dưỡng cao…
Tuy nhiên, từ trước đến nay, cây bơ và sản phẩm bơ của tỉnh vẫn chưa tạo dựng được thương hiệu trên thị trường, vì chủ yếu người dân bán qua thương lái. Đầu ra của sản phẩm lại chưa ổn định, thiếu sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Giá sản phẩm hàng hóa còn thấp… Vì vậy, sự kiện “Đắk Nông - Mùa bơ chín năm 2018” được tổ chức sẽ góp phần rất lớn trong việc quảng bá thương hiệu cho sản phẩm bơ Đắk Nông đến người tiêu dùng và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong và ngoài nước. Đây còn là cơ hội để kết nối, hợp tác đầu tư cho doanh nghiệp thu mua, chế biến, người sản xuất và các kênh tiêu thụ sản phẩm bơ trên địa bàn.
Để chuẩn bị cho chương trình, UBND tỉnh vừa có chỉ đạo các ngành, địa phương nhanh chóng tập trung chuẩn bị các hoạt động liên quan. Trong đó, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND các huyện, thị xã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ có trồng bơ trên địa bàn xây dựng các chứng nhận tiêu chuẩn VietGap.
Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức truyền thông tại TP. Hồ Chí Minh và Đắk Nông để mời gọi các chuyên gia, doanh nghiệp tham gia; đồng thời, chủ động lồng ghép trong các chương trình xúc tiến đầu tư để kết nối, tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm bơ, nhất là các vườn bơ đã được chứng nhận…
Và để triển khai chuỗi hoạt động của sự kiện này, vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành khảo sát sơ bộ 62 hộ trồng bơ trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích là 340 ha. Qua đó cho thấy, bà con đang trồng các giống bơ truyền thống như: Bơ Booth, Trịnh Mười, Thành Bích, Tứ Quý, Sáp…
Tuy nhiên, đa phần các giống bơ vẫn chưa được kiểm định chất lượng, không có chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ. Các mô hình thường trồng tự phát, chưa theo quy trình sản xuất, chưa có nhãn hiệu… Do đó, trong năm 2018, các đơn vị liên quan sẽ tích cực triển khai hỗ trợ xây dựng được ít nhất 5 mô hình bơ đạt tiêu chuẩn chứng nhận VietGap. Riêng với huyện Chư Jút, Krông Nô và Tuy Đức hỗ trợ ít nhất 3 mô hình trồng bơ đạt tiêu chuẩn chứng nhận VietGap.
Hy vọng, chương trình “Đắk Nông - Mùa bơ chín năm 2018” sẽ vừa là cơ hội và cũng là sân chơi bổ ích giúp cho sản phẩm bơ nói riêng và cây ăn trái của tỉnh Đắk Nông nói chung ngày càng được “kết nối” sâu rộng ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
0 nhận xét: