Thứ Ba, 19 tháng 12, 2017

Để có những mùa quả ngọt ở Phú Thọ

Nói đến Phú Thọ người ta thường nhớ đến nhiều loại cây ăn quả nổi tiếng khắp cả nước như: Bưởi Đoan Hùng, Hồng Hạc Trì, Hồng Gia Thanh... Nhằm khai thác tiềm năng lợi thế của vùng Đất Tổ, những năm gần đây tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, đầu tư phát triển các vùng trồng cây ăn quả để đem đến những mùa quả ngọt.
Đặc sản Phú Thọ, Trái cây Phú Thọ, Bưởi Đoan Hùng, bưởi Chí Đám, bưởi Bằng Luân, hồng Gia Thanh, hồng Hạc Trì, nhãn Lương Nha, nhãn Thanh Sơn, nhãn Phú Thọ,
Cây bưởi Sửu đem lại thu nhập cao cho gia đình anh Nguyễn Đức Hậu, xã Chí Đám. 
Đến Đoan Hùng dịp này chúng tôi được chung niềm vui được mùa bưởi của người dân nơi đây. Niềm vui càng nhân lên khi trái bưởi Đoan Hùng đã được dán tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc. Bên cây bưởi sai trĩu quả, anh Nguyễn Đức Hoạch ở xã Chí Đám cho biết: "Từ nhiều năm nay, thu nhập chính của gia đình chúng tôi là nhờ cây bưởi. Việc dán tem khiến chúng tôi yên tâm hơn với sản phẩm mình làm ra không bị trà trộn, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng”.

Bưởi đặc sản Đoan Hùng từ lâu nổi tiếng khắp cả nước bởi mùi thơm đặc biệt, vị ngọt mát, vỏ mỏng, tôm mọng nước, là món quà mà bất kỳ du khách nào khi đến Phú Thọ đều muốn được thưởng thức. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành liên quan triển khai nhiều biện pháp tích cực để duy trì, bảo vệ và phát triển thương hiệu bưởi Đoan Hùng. Đặc biệt, năm 2017, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, phòng Trồng trọt phối hợp với UBND huyện Đoan Hùng triển khai chương trình quản lý chất lượng bưởi đặc sản Đoan Hùng thông qua việc triển khai xây dựng 3 điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm bưởi đặc sản Đoan Hùng tại thành phố Việt Trì và huyện Đoan Hùng, thành lập tổ giám sát chất lượng bưởi Đoan Hùng trước khi đưa ra thị trường, thí điểm dán 200.000 tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc lên bưởi đặc sản đạt chất lượng của 2 vùng bưởi nổi tiếng: Chí Đám, Bằng Luân. Thông qua tem điện tử thông minh, người tiêu dùng có thể tra cứu đầy đủ các thông tin về sản phẩm mình mua như: Giống bưởi, tên hộ trồng, ngày thu hoạch, hướng dẫn bảo quản, hàm lượng các chất trong bưởi, ảnh sản phẩm, video giới thiệu về sản phẩm…

Cùng với việc quan tâm xây dựng và bảo vệ bưởi Đoan Hùng, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng và mẫu mã tiếp tục được đẩy mạnh. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết từ năm 2011 đến nay do có sự quan tâm chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng được gần 800ha mô hình ứng dụng kỹ thuật mới trên bưởi Đoan Hùng. Nhờ đó diện tích, chất lượng bưởi tăng lên rất nhanh. Đến nay, diện tích bưởi Đoan Hùng đạt khoảng 1.200ha. Nhiều diện tích bưởi cho thu nhập 200 - 400 triệu đồng/ha. Cây bưởi không chỉ giúp nhiều hộ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. 
Đặc sản Phú Thọ, Trái cây Phú Thọ, Bưởi Đoan Hùng, bưởi Chí Đám, bưởi Bằng Luân, hồng Gia Thanh, hồng Hạc Trì, nhãn Lương Nha, nhãn Thanh Sơn, nhãn Phú Thọ,
Nông dân xã Lương Nha, huyện Thanh Sơn trồng nhãn cho thu nhập cao.
Không chỉ có bưởi Đoan Hùng cây bưởi Diễn cũng phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong tỉnh như: Đoan Hùng, Thanh Sơn, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Thủy... Tính đến nay diện tích bưởi Diễn toàn tỉnh đạt trên 2.000ha, đưa tổng diện tích bưởi toàn tỉnh đạt 3.300ha. Cùng với cây bưởi, cây hồng không hạt đã được UBND huyện Phù Ninh đã tiến hành dự án đầu tư phát triển hồng Gia Thanh giai đoạn 2012 - 2015 với diện tích trồng mới là 30ha. Đến nay, diện tích hồng không hạt trên địa bàn tỉnh có hàng trăm ha.

Đến huyện vùng núi như Thanh Sơn ngoài cây bưởi Diễn người dân mở rộng diện tích trồng táo, nhãn, chuối phấn vàng. Xã Lương Nha đã hình thành vùng táo tập trung quy mô 13ha và  nhiều giống cây ăn quả khác. Phát huy lợi thế vùng đất đai màu mỡ với diện tích hơn 1ha ông Ngô Quốc Hương ở xóm Lở xã Lương Nha đã tập trung trồng nhiều cây ăn quả. Ông Hương bộc bạch: “Hơn chục năm qua tôi đã trồng rất nhiều loại cây ăn quả như: Táo, bưởi, hồng... Cách đây 5 năm về Hưng Yên học hỏi kinh nghiệm, thấy mô hình nhãn muộn rất hiệu quả tôi mua thử vài chục cây về trồng. Sau đó tôi tập trung trồng nhiều cây nhãn bởi đây là loại nhãn cho thu hoạch muộn thích hợp với đất đai vùng này và được thị trường ưa chuộng”. Đến nay, gia đình ông Hương đã có hơn 200 cây nhãn, vào mùa nhãn thương lái đến tận vườn thu mua. Mỗi vụ gia đình ông cung cấp cho thị trường hơn 2 tấn nhãn, thu khoảng 50 triệu đồng. Ngoài cây nhãn, gia đình ông còn đầu tư trồng bưởi và chăn nuôi. Mỗi năm gia đình ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng. 

Nhiều địa phương trong tỉnh còn phát triển trồng cam cung cấp cho thị trường như: Hạ Hòa, Thanh Ba, Thanh Sơn... Xã Y Sơn  huyện Hạ Hòa đã xây dựng được mô hình trồng cam trên diện tích 2ha mỗi năm cho thu nhập hàng trăm  triệu đồng. Nhiều người đến tham quan học tập để nhân rộng mô hình này.
Đặc sản Phú Thọ, Trái cây Phú Thọ, Bưởi Đoan Hùng, bưởi Chí Đám, bưởi Bằng Luân, hồng Gia Thanh, hồng Hạc Trì, nhãn Lương Nha, nhãn Thanh Sơn, nhãn Phú Thọ
Mô hình trồng Táo Đại trên đất vườn ở huyện Hạ Hòa, Phú Thọ.
Tuy nhiên, việc phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh còn khó khăn do tập quán sản xuất nhỏ, manh mún, chưa quan tâm đến sản xuất hàng hóa còn tồn tại ở một bộ phận không nhỏ người dân. Tâm lý trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, cấp trên còn khá phổ biến, việc huy động nguồn lực trong dân còn hạn chế. Một bộ phận chưa tích cực đẩy mạnh đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, công nghệ bảo quản, sơ chế chưa được đầu tư... Nhưng thực tế cho thấy sản xuất cây ăn quả của Phú Thọ có cơ hội và tiềm năng phát triển do có lợi thế về: Đất đai, khí hậu, thị trường tiêu thụ, sản phẩm có thương hiệu. Do vậy, cần tiếp tục thực hiện chương trình phát triển cây ăn quả và xác định là chương trình trọng điểm để tập chung chỉ đạo mở rộng diện tích, đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng; bảo vệ, phát triển thương hiệu; tạo điều kiện nâng cao thu nhập và làm giàu cho người nông dân.

Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Theo kế hoạch, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020, diện tích bưởi Đoan Hùng và bưởi Diễn đạt 5.000ha. Theo chỉ đạo của tỉnh các địa phương tiến hành quy hoạch diện tích trồng mới bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn; tổ chức tuyển chọn, bình tuyển cây đầu dòng (bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn), vườn cây đầu dòng để làm vật liệu sản xuất giống; đầu tư cơ sở vật chất cho các vườn ươm giống đảm bảo cung ứng đủ giống bưởi đạt yêu cầu về tiêu chuẩn và chất lượng cho các hộ nông dân; đẩy mạnh đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, cải thiện mẫu mã quả; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản phục vụ lễ hội Đền Hùng. Đồng thời tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giữ vững và phát triển thương hiệu bưởi đặc sản Đoan Hùng.

Ngoài cây bưởi căn cứ điều kiện của từng địa phương mở rộng phát triển các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao như: Hồng, cam, quýt... Đẩy mạnh tích tụ tập trung ruộng đất để sản xuất thành vùng hàng hóa với quy mô lớn gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động; khuyến khích thúc đẩy các hình thức liên kết trong sản xuất: Liên kết giữa nông hộ với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác (HTX, trang trại…) trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và giải quyết thị trường đầu ra cho sản phẩm để thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nhằm phát triển cây ăn quả một cách bền vững.

Dán tem truy xuất nguồn gốc bưởi Đoan Hùng ở Phú Thọ.




Chia sẻ

Sở hữu:

Cung cấp trái cây đặc sản Miền Tây với chất lượng hàng đầu. Cam kết không sử dụng thuốc thúc chín, chất bảo quản các loại trái cây.

0 nhận xét: