Nhiều năm qua, người tiêu dùng ở Ðà Lạt phố rất khó mua thưởng thức trái bơ “034” cơm vàng hạt lép (hoặc không hạt) thơm ngon bậc nhất trong tỉnh Lâm Ðồng nói riêng, cả nước nói chung. Mặc dù giá bơ “034” cao hơn gấp 10 giá bơ thông thường, nhưng chỉ một người bán với trăm người chờ mua, nên sản phẩm vẫn thường xuyên khan hiếm trên thị trường.
Bơ sáp 034 dài từ 25 – 35cm, hạt rất nhỏ, có quả không có hạt. |
Thống kê diện tích trồng bơ của Lâm Ðồng hiện có khoảng 1.676 ha, phần lớn tập trung tại các huyện Ðức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, thành phố Ðà Lạt và Bảo Lộc. Trong đó, nông dân đã phát hiện nhiều cây bơ “thần tài” thu hoạch quanh năm, được các cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp Lâm Ðồng bình tuyển làm nguồn gen quý hiếm để nhân rộng sản xuất làm giàu.
Chồi bơ ghép “034” dễ bán, khó mua
Tôi đi khá nhiều trang trại trồng bơ trong tỉnh Lâm Đồng mới lần tìm ra cây “bơ rừng” mồ côi giữa bạt ngàn cà phê ở huyện Bảo Lâm. Tình cờ đang rong ruổi “du khảo” thì gặp hai vợ chồng “đồng hương Đà Lạt” lặn lội xuống một phân trại bơ “034” ở xã Lộc Thanh, Tp Bảo Lộc mua chồi về ghép với gốc giống cây bơ địa phương ở Thôn 4, xã Tà Nung. “Hộ gia đình chúng tôi trồng 100 cây bơ ghép địa phương xen canh 2 ha cà phê ở xã Tà Nung, Đà Lạt đã hơn 10 năm. Trước đây cũng đạt doanh thu hơn 700 - 800 triệu đồng/năm, nhưng do giống bơ truyền thống cũng đã dần thoái hóa, dẫn đến vài năm gần đây, doanh thu giảm xuống còn 400 - 500 triệu đồng/năm. Qua tìm hiểu trên nhiều nguồn thông tin, chúng tôi đã tìm gặp người chủ xác thực một cây giống “bơ rừng” 034 ở huyện Bảo Lâm để mua chồi giống đầu dòng và được hướng dẫn kinh nghiệm ghép cải tạo giống bơ cũ của gia đình…”, người chồng tên Hoàng Văn Túc kể lại.
Theo đó, vào khoảng giữa năm 2015, ông Túc đã tìm đến đúng địa chỉ vườn đầu dòng ở thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm trông thấy trái bơ 034 tròn dài như trái bầu, trái mướp khá bất ngờ và lạ mắt. Được chủ vườn đưa ra mấy trái cắt đôi thớ thịt vàng ươm đầy đặn, ở giữa tách ra một hạt lép mỏng như nan tre, ông Túc thưởng thức tại chỗ cảm nhận dễ dàng chất sáp dẻo, hương vị béo thơm, nên đã thuyết phục chủ nhân mua gần một trăm chồi đưa về vườn bơ của mình ghép thử nghiệm khoảng 5 cây. Sau một năm chăm sóc, theo dõi và liên tục thay thế các mắt ghép chưa được “liền da”, ông Túc đã lai tạo ra một thế hệ bơ 034 mới tại xã Tà Nung, Đà Lạt cành lá sinh trưởng xanh tốt, mỗi cây bơ phát tán đường kính che bóng cho cây cà phê trên dưới 3 m. Và trong thời gian này, ông Túc thường xuyên trở lại Lộc Thắng, Bảo Lâm mua thêm vài trăm chồi bơ 034 lần lượt ghép thành công tổng cộng trên 20 cây bơ giống địa phương. “Đến tháng 12/2017, tất cả 20 cây bơ ghép chồi 034 đã nở hoa xen canh trên diện tích 2 ha cà phê của hộ gia đình chúng tôi tại xã Tà Nung, Đà Lạt, trong đó nhiều nhánh cây đã lác đác bung hoa thụ phấn đậu trái. Có thể thời gian này sang năm 2018, chúng tôi sẽ thu hoạch kha khá sản lượng mùa bơ 034 trái bói…”, ông Túc hy vọng.
Còn vợ ông Túc thì bổ sung thêm: “Hộ gia đình chúng tôi không chỉ mua chồi bơ 034 về Tà Nung, Đà Lạt ghép với 20 gốc cây bơ địa phương hơn 10 năm tuổi, mà còn sản xuất được 300 cây giống ghép mới, dự kiến xuất vườn ươm trồng xen canh trên diện tích 1,5 ha cà phê trong năm 2018…”.
Trong lúc tiếp chuyện với phóng viên cùng khách hàng Hoàng Văn Túc đến từ Đà Lạt, chủ nhân nhiều lần “xin phép” trả lời đặt hàng và chỉ đường đến trang trại mua chồi bơ 034 cho những người đến từ các tỉnh Tây Nguyên đến miền Đông, miền Tây Nam Bộ trở ra duyên hải Trung Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc. Khách hàng đông đảo như vậy, chắc doanh thu bán giống bơ đầu dòng 034 tăng vượt trội hàng ngày? Tôi hỏi, chủ nhân bơ 034 chia sẻ: “Trong 2 năm 2016 và 2017, trang trại chỉ mới khai thác mầm chồi để sản xuất và bán ra từ 15 - 20.000 cây giống bơ 034 ghép. Trong khi nhu cầu khách hàng đặt mua giống đang nhân lên gấp nhiều lần, bởi vậy việc khai thác mầm chồi bơ 034 đối với trang trại chúng tôi rất hạn chế bán ra trực tiếp; chủ yếu sử dụng ghép với cây giống bơ gieo hạt trong vườn ươm, khi cây đầu dòng đạt tiêu chuẩn quy định của ngành nông nghiệp Lâm Đồng mới cung cấp cho người trồng xen canh hoặc chuyên canh…”.
“Bơ mồ côi” 034 kể chuyện
Trước khi rong ruổi qua phân trại bơ đầu dòng 034 ở xã Lộc Thanh, Tp Bảo Lộc, tôi đã mục sở thị Trang trại bơ Dậu Loan có cây “bơ rừng thần tài” nằm trên địa giới Tổ 1, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm. Chính cây “bơ rừng thần tài” ở đây chính là cây giống gốc duy nhất để nhân chồi ghép thành 600 cây bơ 034 đạt 6 năm tuổi ở phân trại xen canh với 2,6 ha cà phê thuộc xã Lộc Thành vừa nêu.
Mới hay Trang trại bơ 034 Dậu Loan ghép tên chủ nhân người chồng Nguyễn Văn Dậu (sinh năm 1969) và người vợ Trần Thị Loan (sinh năm 1971), bắt đầu mua vườn cà phê 4.000 m2 ở Tổ 1, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm vào năm 1991, trên đó phát hiện một cây “bơ mồ côi” cao vút giữa trời, thân và cành sần sùi nhưng cứng cáp. Hiện chủ nhân Nguyễn Văn Dậu đã rào thép gai diện tích 8 m2 bảo vệ quanh bồn cây “bơ thần tài” 034, bám rễ trên địa hình sườn đồi thoai thoải. “Cây bơ 034 bước sang tuổi 37 rồi đó. Chiều cao trung bình 12 m, tán phủ rộng mỗi bên 4 m. Cách đây 10 năm, cây đậu trái dày đặc, bất ngờ gặp cơn gió lớn làm gãy đổ 2 cành, nay còn lại tổng cộng 25 cành. Hàng năm tuyển chọn được 6.000 mắt chồi để ghép thành 6.000 cây bơ giống 034 thế hệ mới….”, anh Dậu giới thiệu trực tiếp với tôi dưới tán cây bơ 034 một ngày của tháng 12 năm 2017.
Theo đó, năm 1993, cây “bơ thần tài” thu hoạch đều đặn từ tháng 5 đến tháng 8 và từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, tổng sản lượng lúc đó khoảng 100 kg. Gia đình anh Dậu thấy hình dáng trái bơ dài như trái bầu, trái bí, nên gọi mời bà con xung quanh đến hái ăn cho biết đặc sản mới. Nào ngờ với chất lượng dẻo thơm đặc trưng, lại cơm dày hạt lép đã nhanh chóng lan tỏa tiếng lành đồn xa đến “tai mắt” thương lái trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng tìm đến nâng giá thu mua cho đến khi lập đỉnh cao gấp 10 lần giá bơ thông thường. Kể từ đó, anh Dậu - chị Loan tích cực tìm cách nhân giống cây “bơ thần tài” 034 có một không hai của mình, nhưng các giải pháp từ chọn hạt gieo ươm (chọn hạt dày nhất của hạt lép) đến bó đất chiết cành đều thất bại.
Mãi đến năm 2009, Phòng Nông nghiệp huyện Bảo Lâm xuống kiểm tra một lần nữa và khẳng định “bơ thần tài” chất lượng khác biệt, đã thống nhất với anh Dậu - chị Loan chọn 20 trái đưa ra thành phố Bảo Lộc dự thi. Cuộc thi do Trung tâm Nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng tổ chức vào tháng 6/2009 với cả trăm giống bơ trái chín của nông hộ tham gia từ các huyện, thành trồng bơ trong tỉnh Lâm Đồng. Kết quả “bơ thần tài” Dậu Loan đoạt giải nhì (không có giải nhất) với mã số 034. Từ đó mã số 034 trở thành tên giống “bơ thần tài” thuộc chủ sở hữu của Trang trại Dậu Loan. Tháng 10/2010, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng công nhận cây bơ 034 đạt tiêu chuẩn đầu dòng…
0 nhận xét: