Tự tìm tòi, nghiên cứu và đã ươm thành công giống me Thái, ông Trần Văn Quít (ngụ ấp Trung Phú 3, xã Vĩnh Phú, Thoại Sơn) rất tự hào khi thành quả của mình đang cho “trái ngọt” sau nhiều năm thử nghiệm.
Tham quan 130 gốc me Thái đang sai trái, chúng tôi bị lôi cuốn bởi những cây me tán khá rộng, cao trên 1m, trái chi chít. Hái 1 trái nhỏ để khách cho ý kiến, vị ngọt thanh “lấn át” vị chua đặc trưng cứ đọng lại ở đầu lưỡi. Vườn me ngọt này hoàn toàn do chính chủ nhân ươm giống thành công, không phải mua cây giống ở bất kỳ đâu. Điểm ấn tượng nhất chính là cây me từ lúc bỏ bầu, trồng trực tiếp xuống đất đến khi trổ bông chỉ mất hơn 22 tháng. So với đặc trưng sinh trưởng của cây me Thái thông thường, ông Quít cho rằng, đây là hiện tượng lạ. Bởi, cây me Thái nếu không lai ghép, sinh trưởng theo cách tự nhiên thì chỉ bắt đầu cho trái năm thứ 7 hoặc thứ 8. Ở đây, 130 gốc me Thái đều đang cho trái trĩu cành dù chỉ bắt đầu trồng khoảng 2 năm.
Nhớ lại ý tưởng thôi thúc bản thân trồng me Thái, ông Quít cho biết đó là sự tình cờ, vì trước giờ ông và gia đình chưa bao giờ nghĩ sẽ trồng me Thái làm cây ăn trái chủ lực. “Lúc đầu, tôi mua me Thái về ăn cho biết. Bất ngờ với vị ngọt của nó nên tôi giữ lại vài hột với ý định “bỏ đại xuống đất, hên thì vài năm nữa có me Thái ăn”. Đến năm 2005, cây me sau nhà mà mọi người chỉ nghĩ làm bóng mát bắt đầu cho đợt trái đầu tiên. Năm đó, vừa ăn, vừa cho cũng không hết, tôi bèn hái bán không ngờ thu về được hơn 4 triệu đồng. Đến năm thứ 2, tôi quan tâm nhiều hơn đến việc bán trái me và thu về khoảng 6 triệu đồng. Thấy thu nhập mỗi năm mỗi tăng từ cây me, tôi quyết định ươm giống trồng thêm hơn chục cây. Đó cũng là thời điểm địa phương thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khuyến khích bà con chuyển đổi diện tích đất vườn tạp, đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu và cây ăn trái. Vậy là, tôi mạnh dạn ươm hạt và lên liếp trồng thêm 1,3ha giống me Thái đến nay” - ông Quít chia sẻ.
Theo lão nông Trần Văn Quít, hầu như những cây me Thái do ông trồng khoảng 2 năm là đã có bông và khoảng 36 tháng là có thể thu hoạch trái, sớm hơn rất nhiều so với những cây me thông thường. Ban đầu, ông cũng lo là cây cho trái sớm sẽ bị suy nên cũng như nhiều nhà nông khác, ông bỏ đi đợt bông đầu tiên để dưỡng cây. Nhưng sau đó không lâu, cây lại tiếp tục cho trái rất sai. Thấy vậy, ông Quít quyết định để trái luôn và chú ý sự phát triển của cây. Quả thật, năm sau, cây me cho nhiều trái hơn năm trước.
Thẳng thắn chia sẻ “bí quyết” ươm giống, ông Quít bộc bạch: “Hạt me sau khi phơi khô khoảng 3 nắng thì mang ngâm từ 2-3 đêm, chọn những hạt xù lớp vỏ ngoài (đạt chất lượng) rửa sạch, khoảng 10 ngày sau, hạt nảy mầm. Lúc này, cho hạt vào bầu ươm đến 3 tháng sau mới trồng xuống đất. Tất nhiên, trước khi cho vào đất, người trồng phải xử lý đất bằng phân lân và vôi. Khi cây phát triển tốt, trước giai đoạn trổ bông xới đất cách gốc 3-5m và bón tiếp vôi, phân chuồng”.
Ông Quít khá hãnh diện và tự hào khi khoe với chúng tôi giống me Thái của mình mang thương hiệu “3 không” (không phân bón, không thuốc bảo vệ thực vật, không tưới) mà vẫn cho trái tốt. Thời điểm thu hoạch rộ là tháng 11 (âm lịch) đến qua Tết Nguyên đán. Từ khi cây me trổ bông đến thu hoạch mất khoảng 7 tháng. Gần 1 tháng nay, vườn me ngọt của nhà ông Quít đã thu hoạch lai rai khoảng 200kg, dự kiến đến hết mùa sẽ thu hoạch từ 1-2 tấn me. Với giá bán khá ổn định 70.000 đồng/kg, ông Quít rất hy vọng về vườn me Thái của mình nên đang dự định lên liếp, trồng thêm 1,3ha.
“Thời gian qua, có nhiều người đến tham quan, học hỏi mô hình trồng me Thái này và được tôi hướng dẫn tận tình. Nếu mọi người cần, tôi sẵn sàng bán cây giống. Cây me càng lâu năm, trái càng sai. Vài năm nữa, vườn me hiện tại có thể cho thu hoạch đạt 8 tấn/ha. Đây là loại cây cho lợi nhuận cao, mà không hề tốn công chăm sóc” - ông Quít cho hay.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Phú Nguyễn Hoàng Nam cho biết: “Địa phương đã chuyển đổi hơn 70ha diện tích đất vườn tạp, đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, trong đó, cây me Thái của chú Quít được xem là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, với giá bán từ 60.000 - 70.000 đồng/kg”.
0 nhận xét: