Với vị ngọt, thơm của núi rừng ban tặng, đặc sản quýt vàng Bắc Sơn ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Cây quýt vàng Bắc Sơn nổi tiếng khắp nơi với hương vị thơm ngon, đậm chất núi rừng biên giới. |
Hành trình quýt vàng
Bắc Sơn có diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp lớn, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phong phú, đa dạng. Đất của huyện có 8 loại xen kẽ lẫn nhau, thích hợp trồng cây cạn, cây ăn quả nói chung, đặc biệt là cây quýt.
Cây quýt vàng Bắc Sơn được trồng ở huyện Bắc Sơn cách đây trên 100 năm, lúc đó chủ yếu được trồng ở vườn nhà hoặc các thung lũng. Quýt được coi là loại quả bổ dưỡng tự sản, tự tiêu, thời điểm đó người dân chủ yếu trồng để ăn và dùng làm dược liệu. Đến cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, cây quýt bắt đầu trồng nhiều ở các xã: Nhất Hòa, Nhất Tiến, Chiến Thắng, Vũ Sơn và sau đó mở rộng ra các xã: Bắc Sơn, Tân Hương, Hữu Vĩnh, Quỳnh Sơn… Thay vì trồng để ăn, làm gia vị hoặc dùng làm dược liệu trong một số bài thuốc dân gian, quýt vàng Bắc Sơn lúc này đã được đem bán ra thị trường. Quýt được bán ở các chợ trong tỉnh rồi đến các tỉnh lân cận như: Thái Nguyên, Bắc Giang… thậm chí còn được đưa sang nước ngoài. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ quýt, người dân tích cực trồng, mở rộng diện tích. Tuy nhiên, do được trồng từ lâu, nhiều diện tích quýt đã bị thoái hóa và hiện nay, nhiều xã đang khôi phục. Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đến nay, toàn huyện có trên 490 ha quýt, trong đó, diện tích cho thu hoạch là 362 ha.
Hiệu quả kinh tế
Mặc dù chưa có thống kê chính thức, thế nhưng từ những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, việc trồng quýt đại trà và quýt được bán ở cả trong và ngoài tỉnh, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài đã cho thấy phần nào hiệu quả kinh tế mà quýt vàng Bắc Sơn đem lại. Hiện cây quýt đã trở thành cây mũi nhọn của huyện. Từ quýt, nhiều hộ thu nhập trên 200 triệu đồng/năm không còn hiếm. Xã Chiến Thắng là một ví dụ.
Ông Dương Công Chung, Chủ tịch UBND xã Chiến Thắng cho biết: Được trồng từ những năm 90 của thế kỷ trước, đến nay, diện tích quýt của xã lên tới gần 90 ha (là xã có diện tích cây quýt lớn nhất huyện).
Ông Bàn Phúc Thắng, Chủ tịch UBND xã Nhất Tiến cho biết: Hiện xã có 35 ha quýt cho thu hoạch. Sản lượng năm 2017 ước đạt khoảng 236 tấn, được tư thương vào mua cả vườn.
Ngoài 2 xã kể trên, hiệu quả kinh tế từ cây quýt đem lại ở các xã khác cũng đạt khá cao, ổn định. Theo số liệu của phòng chuyên môn huyện Bắc Sơn, năm 2016, sản lượng quýt trên địa bàn được khoảng 1.500 tấn, người trồng quýt thu về gần 40 tỷ đồng. Năm 2017, sản lượng dự kiến sẽ tăng và giá ổn định, thậm chí có thể cao hơn.
Triển vọng quýt vàng Bắc Sơn
Ông Vi Đình Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn cho biết: Theo kế hoạch thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của huyện giai đoạn 2016 - 2020, vùng trồng quýt của huyện được quy hoạch phát triển với diện tích trên 600 ha, tập trung ở các xã: Bắc Sơn, Nhất Hòa, Nhất Tiến, Tân Lập, Đồng Ý, Vũ Sơn, Chiến Thắng... Ngày 16/12/2017, UBND huyện tổ chức đón nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Quýt vàng Bắc Sơn”. Ngay sau lễ đón nhận, cấp ủy, chính quyền huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể huyện; UBND các xã đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con ý thức giữ vững và phát triển thương hiệu quýt vàng Bắc Sơn. Bên cạnh đó, UBND huyện sẽ tổ chức cho những hộ dân có tâm huyết đi tham quan, học tập mô hình trồng quýt (hạ sơn) ở xã Chiến Thắng. Từ đó, chủ động xây dựng mô hình phù hợp với thực tiễn tại cơ sở.
Không dừng lại ở đó, để nâng cao hiệu quả cây quýt, UBND huyện đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn để giảm hạt, tăng lượng đường, giảm chua cũng như bảo quản sau thu hoạch. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phát triển nông nghiệp nói chung, trong đó có cây quýt sẽ được đưa gần hơn đến với người trồng quýt.
Với sự nỗ lực, nhạy bén của người dân, sự quan tâm sát sao của các cấp, ngành, cây quýt vàng Bắc Sơn đang có những bước phát triển ổn định. Từ đó góp phần quan trọng vào việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trên quê hương cách mạng.
0 nhận xét: